Như Báo Người Lao Động ngày 4-5 thông tin, tại một hội thảo gần đây, trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã đề xuất giảm tốc độ tối đa của xe cơ giới lưu thông trong đô thị từ 60 km/giờ hiện nay xuống 50 km/giờ nhằm giảm tai nạn giao thông. Cùng với đó, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT - Bộ Công an, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét lại quy định về tốc độ hiện nay, trong đó có cắm các biển hạn chế tốc độ tại những khu vực nguy hiểm.
Giảm là không hợp lý
Theo tài xế Nguyễn Văn Sơn (ngụ xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) đang hằng ngày điều khiển xe container tuyến Bắc - Nam, không nên giảm tốc độ tối đa của xe cơ giới lưu thông qua các khu dân cư hay nội đô từ 60 km/giờ xuống 50 km/giờ như một số người đang đề xuất, vì như vậy là không hợp lý. Theo lý giải của anh Sơn, tai nạn giao thông xảy ra có rất nhiều nguyên nhân và lỗi vi phạm tốc độ không phải là nguyên nhân chính.
"Theo tôi, cơ quan quản lý nhà nước nên nghiên cứu áp dụng và kiểm tra chặt chẽ vấn đề giờ giấc làm việc của tài xế, nhất là tài xế đường dài, bởi có khá nhiều vụ tai nạn xảy ra là do tài xế làm việc liên tục trong thời gian quá dài dẫn đến quá tải và buồn ngủ rồi sau đó gây tai nạn" - tài xế Sơn bày tỏ và nói rõ thêm là nếu giữ nguyên tốc độ 60 km/giờ như hiện nay đã có rất ít xe nào "dại" chạy quá tốc độ trong đô thị hay khu dân cư, bởi tốc độ này là vừa tầm chân ga. Nếu giảm xuống 50 km/giờ như trước thì tài xế rất dễ "dính bẫy" chạy quá tốc độ.
"Theo tôi, thay vì đề xuất giảm tốc độ thì nên đặt biển hạn chế tốc độ ở những vị trí thường xảy ra tai nạn, còn gọi là "điểm đen", để tài xế lưu ý, tránh xảy ra tai nạn giao thông" - anh Sơn đề xuất.
Hạ tầng xấu + tốc độ cao: Rất nguy hiểm
Nhiều ý kiến cho rằng lấy ví dụ từ thực tiễn của cầu Thanh Trì để thấy sự cần thiết phải hạn chế tốc độ khi qua những nơi thường xảy ra tai nạn. Đưa vào sử dụng từ năm 2007, cầu Thanh Trì là một trong những cửa ngõ quan trọng của thủ đô, nối Hà Nội với Quốc lộ 1 nên mật độ phương tiện lưu thông qua đây rất lớn, trong đó có rất nhiều xe tải trọng lớn. Cầu Thanh Trì cũng là nơi thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông gây thương vong về người.
Hạ tầng tốt hơn nên tài xế điều khiển các phương tiện lưu thông qua các khu đô thị cũng bớt áp lực hơn trướcẢnh: Tấn Thạnh
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động vào sáng 6-5, mật độ phương tiện lưu thông trên cầu rất lớn, xe trọng tải lớn chạy san sát nhau với vận tốc rất cao. Trong khi đó, mặt cầu đang xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện dày đặc vệt hằn lún, trồi sụt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho phương tiện lưu thông.
Anh Huỳnh Văn Hòa (ngụ tỉnh Bắc Giang), tài xế xe tải hàng, cho biết ngày khô ráo, bằng mắt thường có thể quan sát được các hư hỏng hay bong tróc của mặt cầu. Ngày mưa rất khó phân biệt các rãnh sâu. Ở một số đoạn, lái xe phải giảm tốc độ gấp để tránh rãnh sâu và "ổ gà", nếu không rất dễ "mất" lái.
Ông Nguyễn Văn Nam (53 tuổi; ngụ xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), làm nghề lái xe ôm lâu năm ở cầu Thanh Trì, cho biết các vụ tai nạn giao thông trên cầu này chủ yếu do phóng nhanh vượt ẩu và thiếu quan sát.
"Mật độ phương tiện thường ngày tại cầu Thanh Trì là rất lớn nhưng tốc độ tối đa cho phép quá cao. Bên cạnh đó, mặt cầu đang xuống cấp nên tài xế chỉ cần thiếu quan sát, phóng nhanh, vượt ẩu là có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào" - ông Nam nói.
Hiện nay, cầu Thanh Trì đang khai thác vận tốc tối đa của làn phương tiện ô tô là 80 km/giờ, còn xe máy và xe thô sơ là 60 km/giờ. Ông Nam cho rằng để tránh tình trạng thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông trên cầu Thanh Trì, các cơ quan chức năng cần điều chỉnh tốc độ xuống thấp hơn ở "điểm đen" này. Cụ thể, với ô tô chỉ hạn chế tốc độ tối đa 60 km/giờ, xe máy là 50 km/giờ.
Tương tự, tại cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội), mật độ phương tiện giao thông lưu thông qua đây rất lớn. Các phương tiện giao thông thường xuyên lấn làn tiềm ẩn gây nguy cơ tai nạn.
Không hợp lý thì phải điều chỉnh
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục CSGT - cho biết đơn vị này đã gửi kiến nghị về việc giảm tốc độ và cả những bất cập trong quy chuẩn về biển báo. "Cái nào không hợp lý thì phải điều chỉnh chứ hiện nay liên quan tới tai nạn giao thông là rất gay go" - ông Trần Sơn Hà nhận định.
60 km/giờ là hợp lý
Thông tư 91/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (hiệu lực từ ngày 1-3-2016) cho phép nâng tốc độ tối đa của xe cơ giới thêm 10 km/giờ ở khu vực đông dân cư. Cụ thể, trên đường bộ trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc), các loại xe cơ giới được lưu thông tối đa 60 km/giờ ở đường đôi có dải phân cách, đường một chiều có 2 làn xe trở lên; tối đa 50 km/giờ tại đường hai chiều không có dải phân cách, đường một chiều có một làn xe cơ giới.
Trên Báo Người Lao Động, nhiều chuyên gia về giao thông và cả các doanh nghiệp vận tải khẳng định việc nâng tốc độ tối đa như vậy trong điều kiện hiện nay là hợp lý vì hạ tầng đã tốt hơn và phương tiện cũng đã được kiểm soát tốt hơn.
Anh Nguyễn Quốc Dương, tài xế xe khách tuyến Gia Lai - Bình Định:
Chỉ nên giảm theo thời gian
Thường xuyên điều khiển xe lưu thông tuyến Gia Lai - Bình Định, tôi thấy việc giảm tốc độ phương tiện cơ giới như đề xuất chỉ khả thi với Quốc lộ 1 vì tuyến này rất nhiều chỗ giao cắt với đường tránh qua khu dân cư. Tuy nhiên, với các quốc lộ khác như Quốc lộ 14, Quốc lộ 19 thì không nên vì không có đường tránh. Nếu nhất định phải giảm thì chỉ nên giảm theo thời gian. Chẳng hạn, cho xe cơ giới lưu thông qua khu dân cư vẫn với tốc độ tối đa như cũ nhưng chỉ từ khoảng 22 giờ hôm nay đến 5 giờ hôm sau để vừa bảo đảm an toàn giao thông vừa khả thi. Những xe cơ giới dài trên 12 m, nếu được lưu thông trong khu đông dân cư vào các giờ khác dù với tốc độ nào cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và dễ gây kẹt xe.
Ở các nước tiên tiến đều có làn đường dành riêng cho xe cơ giới, ở Việt Nam thì giao thông rất hỗn tạp cũng góp phần làm cho việc cấm hay giảm tốc độ xe cơ giới khi lưu thông qua khu dân cư khó khả thi.
Anh Trần Minh Hồng, tài xế xe khách tuyến Sài Gòn - Kon Tum:
Đơn giản quá, lý thuyết quá
Hạn chế tốc độ lưu thông của phương tiện cơ giới qua các "điểm đen" là rất đúng. Những "điểm đen" này có lúc không ngang qua khu dân cư hay khu đô thị nên tài xế thường điều khiển xe chạy với tốc độ bình thường, ít nhiều có chủ quan, nhất là khi đường vắng. Tuy nhiên, đó là những tài xế chỉ lâu lâu mới điều khiển xe lưu thông một lần, còn tài xế hằng ngày phải điều khiển xe lưu thông qua hành trình ấy thì họ đều hiểu phải hạn chế tốc độ ở mức nào để bảo đảm an toàn, ngay cả khi chỉ một xe mình lưu thông.
Tuy nhiên, phải nghiên cứu xem vì sao ở những nơi đó thường xảy ra tai nạn. Tìm được nguyên nhân thì cơ quan chức năng phải cam kết bao giờ thì xóa "điểm đen" này. Cứ thấy tai nạn xảy ra nhiều rồi đưa vào danh sách "điểm đen" thì mãi mãi vẫn phải hạn chế tốc độ. Những ai kinh doanh vận tải thì đều hiểu việc phải hạn chế tốc độ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh. Chỉ đơn giản rằng tốc độ cao sẽ dễ tai nạn thì đơn giản quá, lý thuyết quá.
Anh Vương Nghiệp Vỹ, tài xế xe container KCN Sóng Thần (tỉnh Bình Dương):
Đang có sự lạm dụng
Hạn chế tốc độ tối đa khi lưu thông qua khu dân cư hay khu đô thị là đúng nhưng hạn chế ở mức nào là phải cân nhắc. Trước đây, khi cho phép nâng tốc độ tối đa lên là các ngành chức năng đã có nghiên cứu kỹ. Chưa kể, nếu điều khiển phương tiện cơ giới lưu thông trên đường sẽ thấy nhiều nơi đang bị lạm dụng khái niệm khu dân cư hay đô thị… Nhiều chỗ gắn bảng cảnh báo qua khu dân cư nhưng thực tế chỉ có một đoạn ngắn ngang qua chợ hoặc nơi có mật độ dân cư cao, còn lại hàng ki-lô-mét là ruộng vườn, thi thoảng mới có một nhà dân ở trong sâu mà vẫn cứ bị hạn chế tốc độ thì rất vô lý. Ngay cả trong các khu đô thị, nhiều nơi cũng chỉ có mật độ lưu thông cao vào một số giờ, còn lại rất thoáng mà vẫn hạn chế tốc độ 50-60 km/giờ là quá vô lý.
Phải là tài xế điều khiển xe mới thấy sự vô lý gây nhiều áp lực thế nào, chưa kể hao phí nhiên liệu, thời gian…
H.Thanh - S.Nhân ghi
Bình luận (0)