Một buổi chiều cuối tháng 12-2014, dòng người nườm nượp nối nhau xếp hàng ở cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh chờ qua Trung Quốc. Xách hàng ra khỏi cửa khẩu, giao cho người khác xong, họ lại tất tả quay lại tiếp tục tìm cơ hội xách hàng về.
Xách hàng lậu thành phong trào
Một cụ già hơn 60 tuổi khệ nệ xách bao hàng áo ấm, khi được hỏi thì bảo mua về để sử dụng dần (?). Cạnh đó, một phụ nữ trạc 50 tuổi, tay xách nách mang lỉnh kỉnh hàng hóa. Trên người bà mặc rất nhiều áo ấm và độn thêm đồ ở bụng, lê từng bước như người máy với cái bụng to như bụng cóc.
Dù biết nhiều người dân biên giới công khai vác hàng thuê về nội địa cho các đầu nậu nhưng cơ quan chức năng cũng đành chịu thua. Bởi theo Quyết định 254/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cư dân biên giới được mua hàng miễn thuế 2 triệu đồng/ngày. “Giờ người dân vùng biên đi xách hàng ở Trung Quốc qua cửa khẩu như đã thành phong trào, người này đi rồi về rủ người khác” - ông Phạm Ngọc Linh, Phó Đội trưởng Đội Thủ tục hàng hóa xuất nhập khẩu II Chi cục Hải quan Móng Cái, nói.
Trung bình mỗi ngày, cửa khẩu Móng Cái có khoảng 10.000 người xuất nhập cảnh. Từ cuối tháng 11-2014, lượng người qua cửa khẩu này lên đến 25.000 người/ngày, cao gấp 2,5 lần so với trước đây. Phần lớn những người này có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên đã tiếp tay cho đầu nậu
Kẽ hở trong chính sách
Chính sách ưu đãi đối với cư dân biên giới theo Quyết định 254 đang bị các đầu nậu lợi dụng để thuê người dân sang Trung Quốc vận chuyển hàng về tập kết, sau đó viết hóa đơn thuế thu gom và chuyển vào nội địa tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Móng Cái, than rằng đây là chính sách lớn của cư dân biên giới trong cả nước nên thay đổi không dễ. “Chính sách là đúng nhưng đang bị lợi dụng. Cái này trung ương biết, tỉnh biết và đang tìm biện pháp tháo gỡ” - ông Bắc nói.
Còn ông Nguyễn Cảnh Thắng, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan số 1 - Cục Hải quan Quảng Ninh, đề xuất cần siết lại quy định này như chỉ cho phép người dân mua hàng 1 tuần/lần để tránh bị lợi dụng. “Trời rét, họ mặc 3 cái quần, 5 cái áo ấm vào người, đi như người máy qua cửa khẩu. Cán bộ hỏi thì họ bảo rét nên mặc nhiều. Trời nắng thì họ bảo bị sốt rét nên phải mặc ấm. Khó xử lý lắm!” - ông Thắng lắc đầu.
Ngoài ra, theo khoản 2 điều 4 Thông tư liên tịch số 60 ngày 12-5-2011 của liên bộ Tài chính - Công Thương và Công an hướng dẫn chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường, sau khi lô hàng bị bắt giữ, trong 72 giờ, nếu đối tượng xuất được hóa đơn thì lô hàng đó hợp pháp. Việc dao động thời gian đến 72 giờ là quá dài để các chủ hàng lợi dụng hợp pháp hóa chứng từ hóa đơn. Nhiều cán bộ hải quan, biên phòng tại Lạng Sơn và Quảng Ninh cho rằng nhiều lúc hàng lậu chưa về đến nơi tập kết thì hóa đơn của lô hàng đã được chuẩn bị và không lệch một mã hàng nào. Cánh buôn lậu không cần đến 24 giờ để đối phó.
Tình trạng này cũng đang xảy ra tại cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn, đề nghị ngành thuế cần có biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc cấp phát hóa đơn chứng từ, đồng thời xử lý nghiêm các hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn chứng từ hợp thức cho hàng lậu và ghi giá hàng hóa trong hóa đơn thấp hơn nhiều so với giá thị trường để trốn thuế.
Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới năm 2014 có giảm so với năm trước nhưng diễn biến lại rất phức tạp và khó lường. Thống kê trong 10 tháng đầu năm, lực lượng chức năng trong tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 2.365 vụ, trong đó đã khởi tố hình sự 56 vụ với 105 đối tượng; tổng trị giá tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính là 62 tỉ đồng.
Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết năm 2014, lực lượng này đã bắt giữ và xử lý hơn 600 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật hải quan với trị giá hơn 8 tỉ đồng.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường, bổ sung quân số từ các đồn khác, đồng thời chỉ đạo lập 38 lán trại, bố trí lực lượng chốt chặn 24/24 tại các điểm nóng trên khu vực biên giới, dựng hàng rào thép gai ở 57 điểm với chiều dài gần 1 km để bịt các lối vận chuyển hàng. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng đã huy động gần 100 cán bộ cùng nhiều chó nghiệp vụ lên tăng cường cho tỉnh Lạng Sơn để chống buôn lậu. Suốt nhiều tháng nay, Đồn Biên phòng Tân Thanh đã phải tập trung tối đa quân số để chống buôn lậu. Nhiều cán bộ, chiến sĩ trực chốt suốt 2-3 tháng chưa được về thăm nhà.
Chồng chéo trong các văn bản pháp luật
Tỉnh Kiên Giang, An Giang là những điểm nóng về buôn lậu ở phía Nam do có đường biên giới giáp Campuchia. Ông Phan Lợi, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh An Giang, đã đề xuất với các bộ - ngành sớm kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do còn chồng chéo, thiếu rõ ràng. Trong đó, hành vi mua bán, vận chuyển thuốc lá lậu từ 500 gói trở lên phải xử lý hình sự thì mới đủ sức răn đe (hiện tại là 1.500 gói) và sớm có quyết định xử lý đối với mặt hàng này đã bị tịch thu. Bên cạnh đó, sớm sửa đổi thông tư liên tịch về việc hướng dẫn chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường để làm cơ sở ngăn chặn tình trạng quay vòng hóa đơn đối với mặt hàng đường cát nhập lậu. T.Nốt
Bình luận (0)