Trường hợp Liên hiệp Khoa học Phát triển bền vững (STDe) đưa ra ý tưởng và đề xuất cho triển khai “Tour du lịch Formosa” đang lâm cảnh giơ đầu chịu báng. Bà Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch STDe, cho biết mục đích của “Tour du lịch Formosa” là cứu dân, thương đồng bào miền Trung; người dân mất cả du lịch, cả cá nên cần có hướng đi khác để giúp họ có cơ hội về công ăn việc làm và nguồn thu từ du lịch...
Thoạt nghe, cảm nhận ý tưởng rất nhân văn nhưng ngẫm lại thì thấy hoàn toàn không phù hợp. Sự phản cảm bộc lộ ngay từ cái tên của những “sản phẩm du lịch”, như: “Formosa”, “Cá - thép hóa rồng” (chứ không phải “cá chép”), “Cá gỗ”, “Mối tình nàng cá và chàng thép”, “Thép đã tôi thế đấy...”. Trong lúc 4 tỉnh miền Trung vẫn còn đang quằn quại với nỗi đau môi trường và thủ phạm Formosa chưa khắc phục hết hậu quả thì việc “huyền thoại hóa” những câu chuyện ở đây nhằm thu hút khách tham quan là suy nghĩ không tới nơi tới chốn. Đó là chưa nói đến tính khả thi rất thấp của dự án. Thấy thấp thoáng đâu đó sự bắt chước cách làm từ một số quốc gia từng bị thảm họa, như Nhật Bản. Nhưng họ chỉ làm khi đã khắc phục xong tai nạn chứ không phải ăn theo sự cố kiểu như “Tour du lịch Formosa”!
“Lên trời gọi mưa” cũng là một dự án bị cho là ngông cuồng, do Công ty CP Khoa học công nghệ An Sinh Xanh đề xuất “nhằm chống nắng hạn trong chu kỳ El Nino”. Cụ thể, dự án lập 1.000 trạm điều tiết mưa, khi gió đưa quá nhiều mây từ biển vào đất liền thì 100 trạm này đón mây gây mưa ngay trên vịnh Bắc Bộ để giảm mây bay vào, giảm ngập lụt và tắc đường cho các thành phố (!). Bên cạnh đó còn có 400 trạm điều tiết mưa đúng nơi đúng lúc cho 63 tỉnh - thành, có đủ nước phục vụ nông lâm ngư nghiệp; 500 trạm trên hàng ngàn sông suối cùng hồ thủy điện rừng núi phía Bắc và dãy Trường Sơn để gây mưa... Rất tự tin, công ty nói trên đề xuất Chính phủ tạm ứng khẩn 5.000 tỉ đồng để kịp triển khai mua sắm trang thiết bị, hóa chất thử nghiệm đợt 1 vào ngày 10-10-2016 tại Đà Nẵng và có vốn để tiếp tục triển khai trong năm 2016-2017.
Làm mưa nhân tạo không phải là ý tưởng mới, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện và Việt Nam cũng đã có vài đề án được triển khai nhưng không thành công; gọi được mưa nhưng hiệu quả kinh tế rất thấp. Nhận xét về “Lên trời gọi mưa”, trả lời Báo Người Lao Động chiều 29-9, TS Tô Văn Trường (nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam) khẳng định đó là dự án rất viển vông. Bỏ 5.000 tỉ đồng (và sẽ hơn thế nữa rất nhiều, nếu triển khai) để hô phong hoán vũ thì chẳng khác nào ném tiền tỉ lên trời.
Đất nước còn bộn bề bao nỗi. Đã bể vỡ ra nhiều đại dự án trùm mền sau khi “nướng” hàng ngàn tỉ đồng từ ngân sách mà chưa biết ai phải chịu trách nhiệm. Vì thế, đừng đem tiền của dân đánh cược với bất cứ dự án… trên mây nào như thế nữa!
Bình luận (0)