xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chờ được đi … cai nghiện

QUÝ HIỀN - THU HỒNG

Từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực (ngày 1-1-2014) đến nay, công tác tạm giữ và lập hồ sơ đưa đối tượng nghiện đi cai nghiện bắt buộc đang bỏ ngỏ do thiếu hướng dẫn

Tìm đến một số địa bàn “nóng” ở TP HCM về ma túy, chúng tôi cảm nhận được sự sốt ruột của những gia đình muốn đưa con em đi cai nghiện tự nguyện nhưng chưa được chấp nhận do phải chờ các văn bản hướng dẫn.

“Tôi hết tiền của rồi…”

“Em muốn đi…cai!” là bộc bạch của Phạm Văn Quý (25 tuổi, ngụ phường 12, quận 8), con út trong một gia đình sống bằng nghề bán hủ tiếu có 2 con trai đều nghiện ma túy. Trao đổi với chúng tôi, Quý cho biết: “Em chơi ma túy được 1 năm do bạn bè rủ rê. Mỗi ngày, em “nướng” 200.000 đồng để chích ma túy và số tiền này là do ba mẹ cho”.

Người anh kế của Quý cũng nghiện ma túy từ năm 2013 và đang được gia đình cho cai nghiện dịch vụ tại Trung tâm Giáo dục Dạy nghề Thanh thiếu niên 2 (huyện Củ Chi). “Em biết chắc chắn tự cai ở nhà không bao giờ được nên đã đến công an phường xin đưa vào trường cai. Tuy nhiên, từ tháng 2 đến nay, mấy chú công an nói chờ hướng dẫn thì mới làm thủ tục đưa đi cai được” - Quý nói.

Phạm Văn Quý hỏi thăm công an khu vực khi nào mình được đưa đi cai nghiện theo diện tự nguyệnẢnh: VÕ LÊ
Phạm Văn Quý hỏi thăm công an khu vực khi nào mình được đưa đi cai nghiện theo diện tự nguyệnẢnh: VÕ LÊ

Thiếu úy Nguyễn Hoài Tuấn - cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn 5 tổ thuộc phường 12, quận 8 - cho biết Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ đầu năm 2014 nhưng do thiếu hướng dẫn nên lực lượng công an không thể lập hồ sơ cho các đối tượng cư trú trên địa bàn phường cai nghiện tại các trường, trung tâm. Do đó, công an phường chỉ còn cách yêu cầu người dân… chờ.

Trong khi đó, từ khi có thêm đứa con trai thứ hai bị nghiện, ông Phạm Văn Quang (cha của Quý) suy sụp tinh thần. “Thấy nó quyết tâm, tôi động viên đi cai để làm lại cuộc đời. Thế nhưng, nhà không có tiền nên chỉ còn cách nhờ chính quyền hỗ trợ đưa vào trường trại. Nếu mấy chú công an gật đầu là tôi cho đi ngay”.

Hiện gia đình ông Quang phải ky cóp từ số tiền kiếm được mỗi ngày để trả phí cai nghiện cho anh của Quý là 4,5 triệu đồng/tháng. Do đó, ông chỉ còn trông chờ cơ quan chức năng chấp nhận cho Quý đi cai tại các trường không thu phí do TP quản lý.

Tìm đến nhà bà Đỗ Thị Tài (ngụ ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) có con trai là Trần Văn Cẩn bị nghiện hơn 3 năm nay, chúng tôi mới thấu hiểu vì sao gia đình này “sống mà như chết”! Như trút được bức xúc bấy lâu, bà Tài kể: “Tôi tốn không biết bao nhiêu tiền cho nó đi cai theo dạng dịch vụ, mỗi lần ra vào trường là mất hàng chục triệu đồng vậy mà cả 3 lần đều thất bại. Nó vét sạch đồ đạc trong nhà bán, rồi trộm của hàng xóm khiến họ mắng vốn chịu không thấu”.

Lần này, bà Tài cương quyết nhờ công an xã lập hồ sơ đưa con đi cai nghiện bắt buộc để không làm phiền xóm giềng. Thế nhưng, giữa tháng 4-2014, khi bà đến công an trình bày thì được giải thích là vướng quy định nên chưa đưa đi được và vận động gia đình bỏ tiền tiếp tục cai dịch vụ.

“Tôi hết tiền của rồi, giờ đã báo cáo chính quyền mà họ cũng xuôi tay, nó ở nhà tiếp tục gây sự thì tôi không chịu trách nhiệm” - bà Tài nói.

Chỉ còn cách vận động cai dịch vụ

Nhẩm đếm thời gian em gái mình đi cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phú Nghĩa (Bình Phước), chị Nguyễn Thị Huệ (ngụ hẻm 118, đường Cao Xuân Dục, phường 12, quận 8) lo lắng: “Thời gian nó cai đến nay cũng gần 1 năm nên còn hơn 1 năm nữa sẽ về và chắc lại ngựa quen đường cũ”.

Em gái chị Huệ là Nguyễn Thị Xuân biết đến ma túy lúc mới 22 tuổi và năm nay đã 37 tuổi , có “thâm niên” hút chích 15 năm. Cả gia đình chị Huệ cố gắng động viên, tìm mọi cách để Xuân từ bỏ ma túy nhưng đều bất lực. Chị Huệ buồn bã kể: “Xuân đã 3 lần đi cai. Lần đầu tiên và lần thứ hai trở về sau 2 năm kết thúc thời hạn thì tái nghiện; lần thứ ba chưa thể nói trước điều gì”.

Gia đình chị Huệ đã làm đủ mọi cách để cai cho Xuân. Có khi cắt cơn “sống” ở nhà, có lúc cai dịch vụ nhưng chỉ cai tại trường trại là kéo dài được lâu. Gần đây nhất, tháng 8-2013, vì chịu hết nổi nên gia đình lại phải đến công an phường năn nỉ cho Xuân đi cai.

“Ước muốn duy nhất của gia đình là cho Xuân ở lại trường lao động sản xuất, cai nghiện dài hạn vì chỉ có như thế mới hết thấy cảnh nó vật vã, chết dần chết mòn” - chị Huệ nói.

Thiếu úy Nguyễn Hoài Tuấn thừa nhận tâm tư của gia đình chị Huệ cũng là trăn trở của nhiều gia đình có con em lỡ sa vào nghiện ngập. “Hầu hết gia đình có con em nghiện ma túy đều cầu cứu công an cho vào trường trại và thực tế cũng chỉ ở môi trường này thì đối tượng nghiện mới tích cực cai” - thiếu úy Tuấn nhận định và cho biết hiện nay ở khu vực anh phụ trách cũng có vài trường hợp đang chờ công an lập hồ sơ đưa đi cai.

Theo ông Phan Văn Đạt, Phó trưởng Công an xã Xuân Thới Thượng, từ đầu năm đến nay, công an xã đã tiếp 3 gia đình đến “năn nỉ” đưa con em đi cai nghiện bắt buộc vì hết cách, hết tiền. Ông Đạt cho biết luật ban hành nhưng đến nay chưa có hướng dẫn nên không thể thực hiện, chính quyền chỉ còn cách vận động gia đình cố gắng bỏ thêm tiền đi cai dịch vụ.

“Đầu năm 2014 đến nay, xã chưa đưa trường hợp nào đi cai nghiện mà chỉ xử phạt hành chính 10 đối tượng sử dụng ma túy. Địa bàn xã đang quản lý 24 con nghiện, hầu hết đều không có công ăn việc làm, nhiều đối tượng đang nghi vấn trộm cắp…” - ông Đạt lo ngại.

Bà Nguyễn Thị Lang, tổ phó tổ cán sự xã hội tình nguyện phường 12, quận 8, nhận định: Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng không đem lại hiệu quả vì sự hiểu biết và điều kiện để cắt cơn rất hạn chế. Đặc biệt, với địa bàn phức tạp về mua bán ma túy thì con nghiện rất dễ bị lôi kéo, dụ dỗ.

 

Tội phạm về ma túy diễn biến phức tạp

Theo UBND TP HCM, trong 5 năm (2009-2013), TP đã phát hiện 8.034 vụ mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy; xử lý 16.140 đối tượng (tăng 19,70% so với cùng thời gian trước đó). Trong đó, số lượng ma túy tổng hợp thu giữ hơn 142 kg (tăng hơn 22 lần), heroin thu giữ 123 kg (tăng hơn 2,5 lần).

Đáng chú ý là tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng ma túy tổng hợp tăng cao và có 81,4% đối tượng sử dụng ma túy ở độ tuổi từ 18 đến 35. Với số lượng người nghiện nhiều và xu hướng mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng, dự báo trong những năm tới, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Các cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý người sau cai nghiện của TP đã tổ chức cai nghiện cho 20.460 người; quản lý giáo dục, dạy nghề cho 9.748 người sau cai nghiện ma túy.

Hiện nay, tổng số học viên, người sau cai nghiện đang quản lý tại các trường, trung tâm là 9.278, gồm: 8.550 người cai nghiện bắt buộc, 268 người cai nghiện tại các cơ sở tư nhân và 460 người đang được quản lý sau cai nghiện.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo