UBND TP HCM vừa có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 130/CP về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích tại TP theo hướng từng bước xóa bỏ tính độc quyền tồn tại ở một số đơn vị hoạt động công ích.
Đấu thầu công khai
Theo chỉ đạo của UBND TP, các nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trên địa bàn sẽ được cụ thể hóa. UBND TP giao các sở quản lý ngành nghiên cứu xây dựng quy chế đặt hàng, giao kế hoạch, đấu thầu theo danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích thuộc lĩnh vực phụ trách. Tùy theo tính chất của danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích để đề xuất những giải pháp quản lý phù hợp, sử dụng hình thức đấu thầu để chống độc quyền và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp công ích tại TP.
Đáng chú ý là các sản phẩm, dịch vụ công ích như dịch vụ vận tải công cộng; dịch vụ chăm sóc bảo quản, duy tu hệ thống công viên cây xanh, mảng xanh đô thị; chăm sóc, nuôi dưỡng, phát triển đàn thú và giáo dục, bảo tồn động thực vật tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn; quản lý, duy tu hệ thống thoát nước đô thị; quản lý, duy tu hệ thống chiếu sáng công cộng; quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; dịch vụ thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn, vệ sinh công cộng; dịch vụ cung cấp điện... sẽ được đấu thầu theo quy chế mà các sở chuyên ngành xây dựng. Mọi đối tượng thuộc các thành phần kinh tế đều được tham gia đấu thầu cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Các quy chế, quy trình thủ tục, hồ sơ được công khai trên các phương tiện truyền thông và tại các cơ quan sở quản lý ngành.
Ngoài ra, UBND TP cũng đưa ra nhiều giải pháp quản lý chống độc quyền. Theo đó, các doanh nghiệp công ích đang hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thuộc phương thức giao kế hoạch hằng năm được xem xét để đưa vào diện tái cấu trúc và chuyển giao về làm doanh nghiệp thành viên của các tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Các doanh nghiệp thuộc diện đặt hàng hoạt động không bị giới hạn theo địa bàn hành chính quận, huyện; trường hợp doanh nghiệp có đơn hàng không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm được xem xét sắp xếp lại theo hướng sáp nhập hoặc cổ phần hóa. TP cũng tiến hành đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa toàn bộ các doanh nghiệp công ích còn lại.
Đẩy nhanh cổ phần hóa
Trong năm 2013, TP HCM phát hiện nhiều sai phạm tại 4 doanh nghiệp công ích, gồm: Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị, Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng và Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh. Sai phạm của các doanh nghiệp này là đã chi lương, thưởng cho cán bộ quản lý cao vượt quá quy định với mức hàng tỉ đồng/năm. Giải thích điều này, một lãnh đạo nhận “lương khủng” cho biết vì doanh nghiệp kinh doanh lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính cơ chế độc quyền trong việc thực hiện các dịch vụ công ích đã giúp 4 doanh nghiệp trên lãi cao. Thậm chí, có doanh nghiệp còn sử dụng lao động ít hơn so với thực tế khai báo để có thêm tiền từ ngân sách.
Khi vụ “lương khủng” tại 4 doanh nghiệp công ích bị phát hiện, Thành ủy TP HCM đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND TP điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, khắc phục cho được tình trạng sơ hở hoặc buông lỏng quản lý; sớm có giải pháp kiên quyết khắc phục tình trạng độc quyền trong thực hiện dịch vụ công ích trên địa bàn TP.
Ngay sau đó, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp cùng các sở: Tài chính, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ... nghiên cứu giải pháp khắc phục tình trạng độc quyền trong thực hiện dịch vụ công ích trên địa bàn. UBND TP cũng chỉ đạo Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp công ích để minh bạch hóa hoạt động quản lý tại đây.
Hằng năm phải báo cáo UBND TP
UBND TP HCM yêu cầu hằng năm, các sở quản lý ngành lập dự toán chi ngân sách; xây dựng phương án trợ giá, trợ cấp; dự toán chi tiết về đơn giá, số lượng, khối lượng sản phẩm, dịch vụ công ích theo từng phương thức (đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch) gửi Sở Tài chính thẩm định và trình UBND TP quyết định.
Bình luận (0)