Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết Nghị định 16/2015 (thay thế Nghị định 43/2006) nhằm nâng cao tự chủ và quyền hạn lớn hơn cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với quy định trước đây, trong 3 lĩnh vực tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.
Theo lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công trong Nghị định 16, đến năm 2016 phải bảo đảm tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định). Đến năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính khấu hao tài sản cố định). Đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.
“Lộ trình là vậy nhưng đơn vị nào có đủ điều kiện thì Chính phủ sẽ cho thực hiện ngay giá dịch vụ có tính đúng, tính đủ các chi phí, bảo đảm có lợi nhuận chứ không đợi đến năm 2018” - Phó Thủ tướng cho biết.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, số người hưởng lương từ ngân sách khoảng gần 8 triệu, trong đó khối sự nghiệp công là 2 triệu người. Phó Thủ tướng kể lại việc ông vừa xem chương trình truyền hình nói về cuộc sống của một bác sĩ. “Xem xong, tôi rơi nước mắt. Bác sĩ này liêm khiết, không nhận phong bì nhưng do tiền lương thấp quá nên cuộc sống rất khổ. Vì vậy, chúng ta cần đổi mới để nâng cao thu nhập chính đáng cho họ” - ông bày tỏ.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đề nghị đơn vị nào không tự chủ được thì chuyển sang hình thức cổ phần. “Không nên nửa tự chủ, nửa bao cấp vì không phù hợp trong tình hình hiện nay. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đang nghe ngóng về độ mở của nhà nước trong lĩnh vực này. Nếu độ mở lớn, họ sẽ tham gia” - ông Trường cho biết.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng Nghị định 16 đặt mục tiêu tự chủ toàn bộ lĩnh vực y tế, giáo dục là thách thức không nhỏ. “Thách thức lớn nhất hiện nay là y tế tuyến huyện, xã và trung học cơ sở. Vì vậy, cần bàn kỹ về cơ chế tài chính, cơ chế giá và giao quyền tự chủ cho các đơn vị” - ông Tuấn băn khoăn.
Theo ông Tuấn, nước Đức quy định 7 dịch vụ thiết yếu, trong đó giá điện, y tế, giáo dục phải tính đúng, tính đủ chi phí và không được ngừng cung cấp dịch vụ dù là 1 ngày. “Muốn bảo đảm dịch vụ hoạt động liên tục thì dịch vụ đó phải có lãi” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng việc đổi mới không phải vì thiếu tiền chi cho dịch vụ công mà là vì mục đích quan trọng hơn: Nhằm nâng số lượng và chất lượng dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và sự phát triển của xã hội.
Về vai trò của nhà nước đối với xã hội, Phó Thủ tướng khẳng định đổi mới giá, phí dịch vụ công theo thị trường định hướng XHCN, những đối tượng như người nghèo, gia đình chính sách thì nhà nước vẫn phải lo.
Bình luận (0)