Đừng nghĩ đó là chuyện của một số ít người trong lĩnh vực trồng trọt. Thực ra, phân bón giả là vấn đề trọng đại đối với một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam bởi nó là một trong những tác nhân đầu tiên quyết định chất lượng nguồn nông sản thực phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Do đó, không thể để một vấn đề lớn như thế trôi qua trong sự thờ ơ của bao ngành, bao giới hữu trách.
Theo số liệu do Hiệp hội Phân bón Việt Nam nêu ra tại hội nghị “Lập lại thị trường phân bón Việt Nam”, tổ chức sáng 28-9, cả nước có từ 800-1.000 cơ sở sản xuất phân bón, trong đó gần 50% số mẫu phân bón được kiểm tra không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký, công bố trên bao bì. Các đối tượng lợi dụng kẽ hở pháp luật về tổng chất lượng dinh dưỡng, mập mờ hàm lượng trên bao bì... gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng. Thị trường phân bón trong nước sản xuất tự phát, nơi nào làm được thì làm, chưa có một cuộc lập lại trật tự. Sản phẩm giả không chỉ xuất hiện trong cơ sở sản xuất phân bón, đại lý kinh doanh mà còn len lỏi vào cả phòng kiểm nghiệm, kiểm định. Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương cũng cho biết mỗi năm có gần 4.000 vụ sản xuất - kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng bị xử phạt. Số vụ vi phạm trên thực tế chắc chắn nhiều hơn nhưng để giải thích vì sao không ngăn chặn được, tại hội nghị nói trên, các cơ quan chức năng tiếp tục nêu ra những khó khăn lưu cữu, như: gian thương ngày càng xảo quyệt, QLTT thiếu và yếu, thị trường có quá nhiều chủng loại (khoảng 5.700 sản phẩm phân bón) nên quản không xuể, cơ chế quản lý chồng chéo… Nghe được sự biện hộ này, có lẽ cánh gian thương mừng lắm vì phân bón giả sẽ tiếp tục “rộng đất diễn” trên thị trường. Còn người tiêu dùng, đại đa số là nông dân, tiếp tục hụt hẫng!
Hồi đầu tháng 5-2016, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố kết luận thanh tra 11 tổ chức được chỉ định hoạt động chứng nhận chất lượng phân bón, thử nghiệm phân bón. Theo đó, 11 tổ chức này có làm giả hồ sơ để đăng ký chỉ định tổ chức chứng nhận; gian dối trong chứng nhận hợp quy cho sản phẩm phân bón khi chưa được phép lưu hành trên thị trường cùng hàng loạt vi phạm khác... Thử hỏi, chính cơ quan quản lý trực tiếp mà còn để lọt lưới thì làm sao nông dân không bị lừa?! Người ta còn nghi ngờ chính lực lượng này đã tiếp tay cho kiểm định ảo, phân bón giả.
Không ngần ngại, cũng tại hội nghị nói trên, ông Nguyễn Hạc Thúy - Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam - đặt vấn đề: “Hệ thống lợi ích nhóm, bảo kê của các lực lượng thi hành công vụ, tham gia tiếp tay cho gian thương... Các thành phần này đã bóp méo sự thật, bóp méo pháp luật, gây thiệt hại cho hàng chục triệu nông dân và nền nông nghiệp nhiều năm qua”.
Chống phân bón giả, nếu chỉ nhắm vào gian thương mà không làm trong sạch chính đội ngũ thực thi công vụ, không trị tham quan ô lại thì chỉ chuốc lấy thất bại.
Bình luận (0)