Ngày 25-8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hội thảo “Những định hướng lớn sửa đổi toàn diện dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN)”.
Ông Nguyễn Văn Kim, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ, cho rằng trong trường hợp đặc biệt, Quốc hội có thể thành lập ủy ban đặc biệt chống tham nhũng. Theo ông Kim, dự thảo cũng đề cập đến trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong công tác PCTN. “Trong dự thảo, chúng tôi muốn quy định rõ hơn, nhất là việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ. Vì thế, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đứng ngoài cuộc thì việc xử lý và PCTN rất khó khăn” - ông Kim đánh giá.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Sỹ Cương, băn khoăn: “Đặt ra sửa đổi Luật PCTN hoành tráng quá. Nói thật, không cần sửa đổi gì nhiều, thậm chí dùng luật hiện hành cũng được. Luật ra đời nhiều nhưng có làm được gì đâu. Vấn đề là chúng ta thất bại trong việc thực hiện luật”.
Ông Cương cho rằng việc công khai minh bạch trong tổ chức không đạt yêu cầu, còn giấu thông tin, nhiều thông tin đưa ra nhưng chẳng có gì minh bạch. “Như vụ Formosa, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói thủy triều đỏ, tảo nở hoa nhưng cuối cùng là do Formosa làm bậy. Thông tin công khai, minh bạch đưa ra chưa đúng” - ông Cương ví dụ. Điều đáng nói, theo ông Nguyễn Sỹ Cương là chưa thấy đơn vị nào bị xử lý về việc không công khai hoặc công khai thông tin không chính xác.
Góp ý cụ thể vào việc sửa luật, ông Cương nhận định về trách nhiệm người đứng đầu, luật quy định rất hoành tráng nhưng cuối cùng cũng chẳng giải quyết được gì. “Cứ gửi báo cáo thì chỉ có mấy chữ không phát hiện tham nhũng. Đến lúc phát hiện thì việc ông nào ông ấy chịu, ông thủ trưởng chẳng chịu trách nhiệm. Thậm chí, cho thôi chức nhưng sau đó chức lại cao hơn. Chúng ta cân nhắc xem có cần sửa luật hay không, chứ quy định ra nhiều mà không thực hiện tốt thì cũng chẳng giải quyết được gì?” - ông Cương thẳng thắn.
Ông Trần Đức Lượng, nguyên Phó Tổng TTCP, cho rằng kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy nhiều nơi còn lạm dụng khái niệm “bí mật nhà nước”, “bí mật công nghệ”, “bí mật kinh doanh”... Đặc biệt là lạm dụng cụm từ “nhạy cảm” để không cung cấp, công khai thông tin. “Đề nghị luật sửa đổi phải theo hướng minh bạch, công khai về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, chỉ trừ một số trường hợp thuộc diện bí mật. Đồng thời, việc công khai, minh bạch phải gắn trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Bình luận (0)