Chiều 5-7, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tổ chức hội nghị giao ban thanh tra các bộ, ngành 6 tháng đầu năm 2017.
Thiếu tướng Phạm Lê Xuất nhìn nhận việc kê khai tài sản còn nhiều bất cập
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Hồng Lĩnh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Tổng hợp thuộc TTCP - cho biết 6 tháng đầu năm, toàn ngành thực hiện 480 cuộc thanh tra trách nhiệm tại 900 đơn vị; kiến nghị xử lý hành chính 172 tổ chức, 310 cá nhân. Trong công tác phòng chống tham nhũng, qua kiểm tra nội bộ phát hiện 7 vụ, 8 đối tượng và qua hoạt động thanh tra phát hiện 21 vụ, 22 đối tượng tham nhũng, liên quan đến tham nhũng.
Qua thanh tra cho thấy ý thức trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn một số vi phạm chủ yếu như người đứng đầu không tiếp công dân định kỳ theo quy định; việc tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa thực hiện nghiêm túc, xử lý đơn thư còn chậm…
Ông Phan Văn Sáu, Tổng TTCP, khẳng định tuy số vụ việc khiếu nại, tố cáo giảm đi nhưng số vụ đông người khiếu kiện gay gắt, phức tạp lại tăng, phổ biến nhiều nhất ở lĩnh vực đất đai. Đáng chú ý là sau sự cố Formosa và vụ việc đất đai ở Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội), nhiều trường hợp bị kích động, tụ tập đông người, biểu tình gây rối, chống đối lực lượng chức năng, bắt giữ cán bộ trái pháp luật.
Liên quan đến công tác kê khai tài sản, Thiếu tướng Phạm Lê Xuất, Phó chánh Thanh tra Bộ Công an, cho rằng nhiều năm nay, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành rất trăn trở về tiêu cực, tham nhũng ở các nơi liên quan đến kê khai tài sản. Những kết luận về xử lý cán bộ gần đây của Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng cho thấy nhiều vi phạm liên quan đến kê khai tài sản.
Theo Thiếu tướng Xuất, bất cập rất lớn hiện nay chính là cơ chế kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức chưa được nhiều. "Kê khai chỉ để kê khai, khi nào có đơn thư tố cáo thì mới chỉ đạo làm rõ xem đúng hay không. Chưa có quy định truy nguồn gốc tài sản nên không giải đáp được tài sản đấy lấy từ đâu. Thế nên, mới có chuyện nhiều người giải trình từ… nuôi lợn, nuôi gà. Vừa rồi câu chuyện ở Yên Bái giải trình như thế nhưng xem giải trình đúng không thì chưa có cơ chế kiểm soát" - ông nhận xét.
Từ thực tiễn trên, Thiếu tướng Phạm Lê Xuất đề nghị TTCP đưa vào chương trình, kế hoạch thanh tra năm 2018 một chương trình thanh tra đối với việc kê khai tài sản. Ông quả quyết: "Thực hiện những cuộc thanh tra như thế thì họ cũng phải run sợ, cũng phải ngại bởi kê khai không đúng sẽ bị xử lý".
Trong khi đó, TTCP cho biết đang tiếp tục đôn đốc, tổng hợp, hoàn chỉnh báo cáo kết quả minh bạch tài sản thu nhập năm 2016 của các bộ, ngành, địa phương theo quy định. Đối với dự thảo định hướng kế hoạch thanh tra năm 2018 mà Thiếu tướng Xuất đề cập, TTCP nhấn mạnh sẽ thực hiện nhiều chính sách, giải pháp phòng ngừa tham nhũng; chú trọng công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, tổ chức, nhất là cán bộ quản lý.
Để thực hiện hiệu quả công tác này, TTCP, thanh tra các bộ, ngành, địa phương có thể thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật. Khi đề xuất thanh tra đột xuất, cơ quan thanh tra cần xác định rõ căn cứ, cơ sở các dấu hiệu vi phạm. Khi tiến hành thanh tra, không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra hay vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất.
Bình luận (0)