Hơn một năm Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, Việt Nam cùng 9 nước thành viên ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực. Thế nhưng, đáng buồn là xuất khẩu trong 2 năm qua của Việt Nam và các nước nội khối lại sụt giảm.
Xuất khẩu liên tục giảm
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN đạt 17,4 tỉ USD, giảm 4,8% so với năm 2015. So sánh số liệu 6 tháng đầu năm trong 3 năm liên tiếp 2014-2016, xuất khẩu của Việt Nam đến các nước ASEAN cũng sụt giảm đáng kể, lần lượt là 9,27 tỉ USD - 9,26 tỉ USD - 8,08 tỉ USD. Cũng theo Tổng cục Thống kê, nông sản là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất, từ 1,609 tỉ USD năm 2015 còn 1,151 tỉ USD năm 2016.
Câu hỏi đặt ra là vì sao xuất khẩu của Việt Nam ở nội khối ASEAN lại giảm, nhất là khi chúng ta đã vào “mái nhà chung” AEC? Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), giải thích điều này có một phần xuất phát từ tâm lý và ý tưởng khi hình thành AEC. Nói rõ hơn, ông Thái dẫn hình ảnh tượng trưng cho khối ASEAN là bó lúa chụm vào nhau nhưng ngọn lại hướng ra bên ngoài. Theo ông, do ý tưởng đó nên thương mại nội khối ở mức thấp. Tức là khi hình thành nền kinh tế này, các nước thành viên ngoài ý tưởng hướng vào làm ăn với nhau thì còn muốn thành lập một không gian sản xuất chung, từ đó tăng tính cạnh tranh toàn khối, thu hút đầu tư bên ngoài vào và xuất khẩu đi nước khác. “Việc thương mại nội khối ASEAN thấp buộc chúng ta xuất khẩu sang ASEAN thấp. Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trong khối cũng thế, nó thể hiện ở mục tiêu hình thành AEC” - ông Thái phân tích. Ngoài ra, ông Thái cũng cho rằng tình trạng xuất khẩu sụt giảm có nguyên nhân khách quan là do thương mại toàn cầu giảm, dẫn đến các nước trong khối không tăng nhập khẩu từ Việt Nam.
Để các nước lấn sân
PGS-TS Phạm Tất Thắng, tư vấn viên cao cấp Viện Thương mại (Bộ Công Thương), nhận định AEC là bước hội nhập quan trọng của Việt Nam khi chúng ta được mở rộng sản xuất trong một thị trường rộng lớn với 640 triệu dân. Tuy nhiên, chúng ta chưa tận dụng tốt cơ hội khi vào “mái nhà chung” này. Ngược lại, nhiều nước trong nội khối tận dụng được cơ hội, điển hình như Thái Lan với hàng loạt động thái mua lại hoặc rót vốn vào các thương hiệu đình đám như BigC, Metro… Nhiều cửa hàng tiện lợi bán hàng Thái đã len lỏi sâu vào trong ngõ ngách của hơn 60 tỉnh, TP của chúng ta.
Không chỉ Thái Lan, hàng hóa của Singapore, Indonesia hay thậm chí từ nước vốn được coi là nhỏ, cạnh tranh yếu như Campuchia cũng đã xâm lấn thị trường Việt Nam. “ASEAN là thị trường đòi hỏi chúng ta cạnh tranh nhiều hơn. Phải tìm được sự khác biệt mới vào được thị trường này bằng cách tạo ra lợi thế cạnh tranh thông qua đầu tư sản xuất đúng hướng” - ông Thắng chỉ rõ.
Ông Thắng cũng cho rằng ASEAN là khu vực có nhiều điểm tương đồng nhưng tính “khác biệt” cũng rất lớn và rõ ràng. Thị trường này đòi hỏi những sản phẩm lương thực thực phẩm, rau, củ, quả, gạo, thủ công mỹ nghệ… tưởng như là thế mạnh của chúng ta nhưng lại không dễ dàng đáp ứng bởi khu vực ASEAN tập trung cả người Hồi giáo, người theo Phật giáo… và nhu cầu của họ rất khác nhau. Do đó, tìm hiểu từng đối tượng nhằm điều chỉnh sản xuất để “cung” đáp ứng được “cầu” là một trong những lưu ý để thâm nhập thị trường này.
Ở góc độ khác, đại diện Bộ Công Thương cho rằng yếu tố chủ quan dẫn đến việc thị trường nội khối ASEAN trở nên “khó nhằn” với chúng ta là do năng lực và khả năng tận dụng cơ hội của doanh nghiệp trong nước còn thấp. Điều này thể hiện qua tỉ lệ sử dụng ưu đãi trong các hiệp định đã ký kết với khu vực. “Mặc dù trước đây tỉ lệ sử dụng các ưu đãi chỉ là 10% và nay tăng lên đến trên 31% nhưng vẫn kém xa so với tỉ lệ tận dụng ưu đãi với Hàn Quốc là 60% và Chile là 80%. Nhiều doanh nghiệp vẫn hướng về thị trường trong nước hoặc thị trường khác và chưa thể thay đổi ngay được” - đại diện Bộ Công Thương nhận định.
Đã tận dụng hết cơ hội từ trước
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhìn nhận AEC là một tiến trình hội nhập kinh tế đã được triển khai trong cả quá trình dài trước đây. Do đó, Việt Nam đã tận dụng hết lợi thế từ một số nước trong nội khối khi họ có lộ trình loại bỏ thuế hoàn toàn từ năm 2010. Năm 2015-2016, Việt Nam bước vào lộ trình giảm dần thuế theo cam kết của AEC và sẽ hoàn tất vào năm 2018 nên xuất khẩu từ nước bạn tới Việt Nam chưa có chiều hướng dừng lại.
Bình luận (0)