Đến ngày 27-12, vé tàu thời gian cao điểm trước Tết chiều từ Nam ra Bắc hiện chỉ còn khoảng 3.200 vé.
May rủi vé tàu Tết
Theo Công ty TNHH MTV Vận tải Đường sắt Sài Gòn, đến nay, vé tàu các ngày cao điểm trước Tết chiều TP HCM - Hà Nội đã bán gần hết, chỉ còn ghế phụ và ghế mềm máy lạnh.
Nhiều đường bay còn vé Tết nhưng giá đắt gấp 2-3 lần ngày thường Ảnh: LINH ANH
Những tàu số chẵn trước Tết chiều Nam - Bắc từ ngày 29-1 đến 6-2-2016 (tức từ 20 đến 28 tháng chạp năm Ất Mùi) hiện đã bán được 122.322 vé (đạt khoảng 96%). Số chỗ còn lại khoảng 3.200, tập trung chủ yếu: ghế phụ đi từ các ga Sài Gòn, Biên Hòa đến ga Diêu Trì trở ra phía Bắc trong các ngày 29, 30-1 và 6-2-2016; ghế mềm lạnh, ghế phụ tàu SE10 (Nha Trang - Hà Nội) từ 31-1 đến 6-2-2016; các tàu khu đoạn (tàu SNT2, SNT4) các ngày từ 29-1 đến 1-2-2016 và tàu SPT2 từ 29-1 đến 3-2-2016.
Hành khách canh mua vé xe Tết của các hãng xe có thương hiệu để về quê Ảnh: GIA MINH
Với số chỗ còn lại, Công ty TNHH MTV Vận tải Đường sắt Sài Gòn sẽ tiếp tục theo dõi và lên phương án cắt chặng phù hợp cho việc bán vé để phục vụ hành khách một cách thuận lợi. Trong khi đó, thời gian từ ngày 27-1-2016 (18 tháng chạp năm Ất Mùi) trở về trước lại còn rất nhiều chỗ do nhu cầu hành khách đặt vé trong thời gian này không cao.
Trong thời gian cao điểm sau Tết (từ ngày 11 đến 23-2-2016), các tàu số lẻ hiện đã bán được 93.029 vé. Riêng từ ngày 16 đến 25-2-2016 (tức từ mùng 9 đến 18 tháng giêng năm Bính Thân) còn rất nhiều chỗ và đã có kế hoạch cắt chặng sớm từ một số tỉnh miền Trung vào TP HCM.
Dù dịp Tết năm nay, việc cải tiến hình thức bán vé tàu đã tạo thuận lợi cho cả nhà ga và hành khách nhưng không phải ai cũng mua được vé theo đúng nhu cầu, đặc biệt là khi lượng vé đang rất khan hiếm.
Anh Nguyễn Văn Thành (ngụ quận 9, TP HCM) cho hay những năm trước, khi chưa bán vé tàu Tết qua mạng, dù vất vả đi mua trực tiếp ở ga nhưng anh vẫn lấy được tấm vé từ TP HCM về Quảng Ngãi theo đúng nhu cầu. Năm nay, theo anh Thành, hình thức bán vé qua mạng rất “may rủi”, không phải người nào cũng mua được vé.
“Từ lúc bắt đầu bán vé Tết đến nay, tôi chầu chực trên mạng nhiều ngày nhưng vẫn không mua được vé về Quảng Ngãi. Thậm chí, tôi còn chọn cả những chặng dài hơn, chấp nhận tốn thêm chi phí mà vẫn không được nên giờ phải chờ mua vé xe” - anh Thành ngán ngẩm.
Còn chị Lê Thị Hạnh (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) cũng than rằng trước tình trạng vé tàu chỉ còn rất ít chỗ ngồi phụ và ghế mềm, chị và gia đình chỉ còn cách đợi các nhà xe mở bán vé để mua.
Về quê bằng máy bay… cũng khổ!
Ngày 27-12, chị Phan Thị Bích Phượng (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết rất bức xúc khi bất ngờ được hãng hàng không Jetstar Pacific thông báo sẽ hủy chuyến bay từ Buôn Ma Thuột đi Chu Lai vào mùng 2 Tết (ngày 9-2-2016). Trước đó, chị Phượng đã đặt mua 3 vé đi chặng này cho cả gia đình về quê đón Tết. “Hãng chỉ thông báo sẽ hủy chuyến bay, không nói rõ lý do mà chỉ hoàn tiền vé kèm tiền bồi thường 100.000 đồng. Không có sự lựa chọn, trong khi chúng tôi cần một lời giải thích vì kế hoạch dịp Tết đã lên sẵn” - chị Phượng nói.
Không chỉ gia đình chị Phượng, một số hành khách đã mua vé Tết chặng Buôn Ma Thuột - Chu Lai của hãng này đều không thể khởi hành. Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động chiều cùng ngày, đại diện Jetstar Pacific lý giải đây là sự việc nằm ngoài ý muốn của hãng. Đường bay Buôn Ma Thuột - Chu Lai được đưa vào khai thác từ đầu tháng 10-2015 nhưng do nhu cầu hành khách không cao, thậm chí rất thấp ngoài dự đoán của hãng. Tỉ lệ sử dụng ghế trên các chuyến bay đều không quá 50% ngay cả trong dịp Tết Nguyên đán. Do đó, hãng đã tạm ngưng đường bay này và tính toán lại, chuyển máy bay sang một số đường bay khác có nhu cầu đi lại cao hơn.
Liên quan đến vé máy bay dịp Tết, Jetstar Pacific sẽ nhận thêm 3 máy bay Airbus A320 và tăng thêm chuyến bay trên 12 đường bay nội địa, lịch tăng chuyến được áp dụng trong giai đoạn từ 22-1 đến 8-3-2016 bằng máy bay Airbus A320 mới. Một số đường bay tăng chuyến gồm có TP HCM đi Tuy Hòa, Chu Lai, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Nha Trang, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột…
Ngay từ tháng 9-2015, các hãng hàng không đều đồng loạt mở bán vé Tết Nguyên đán sớm nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách. Dù vậy, giá vé máy bay mở sớm chỉ dễ mua và dễ lựa chọn ngày chứ không hề rẻ hơn.
Chị Lê Thị Thanh (ngụ quận 9, TP HCM) kể ban đầu gia đình chị 4 người tính đặt vé máy bay từ TP HCM về Vinh ăn Tết nên từ tháng 9, chị đã canh giờ các hãng tung vé để mua. Nhưng sau khi tính toán lại, cả gia đình 4 người mua vé khứ hồi cũng mất khoảng 25 triệu đồng (nếu đặt từ rất sớm) nên chị quyết định chuyển sang đi tàu lửa. Trong khi đó, nhiều hành khách khác vẫn chưa mua được vé theo nhu cầu vì tìm kiếm trên website, các hãng không còn vé hoặc nếu có cũng chỉ ở hạng thương gia, giá vé rất cao.
Trên website của các hãng hàng không vào chiều 27-12 vẫn còn nhiều vé Tết ở khá nhiều lịch trình với mức giá rất cao. Chặng TP HCM - Vinh ngày 5-2 (tức 27 tháng chạp), Vietjet và Vietnam Airlines không còn vé, trong khi Jetstar Pacific đang bán với giá 3,6 triệu đồng/lượt (chưa tính thuế, phí).
Các hãng cho biết đang tính toán lại nhu cầu và sẽ tiếp tục tăng chuyến ở những đường bay có nhu cầu đi lại cao. Vietnam Airlines khẳng định đầu tuần này sẽ công bố kế hoạch tăng chuyến trên các chặng bay dịp Tết Nguyên đán. Tổng giám đốc một hãng hàng không chia sẻ tăng chuyến để đáp ứng nhu cầu của hành khách nhưng thật sự bài toán chi phí không hiệu quả bởi dù bán vé lượt đi đắt nhưng lượt về bay lệch chiều, máy bay không có khách.
Rục rịch bán vé xe Tết
Trong khi vé tàu, vé máy bay thời gian cao điểm trước Tết khan hiếm thì việc mua vé xe khách lại khá yên ắng. Tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), lượng khách đến bến khá thưa thớt, đa số chỉ mua vé đi nghỉ Tết Dương lịch và hỏi thông tin về ngày bán vé Tết Nguyên đán của một số hãng xe thương hiệu.
Đến thời điểm này chỉ có vài hãng xe đang hoạt động trên địa bàn TP HCM bắt đầu triển khai bán vé Tết khiến nhiều người không khỏi lo âu. Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, do dự báo lượng hành khách đến bến trong dịp Tết Nguyên đán năm nay không tăng so với cùng kỳ năm trước nên bến xe đã chuẩn bị sẵn các phương án nhằm đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân.
Hiện có khoảng hơn 10 hãng xe đã bán vé Tết Nguyên đán về miền Trung như Thiên Trang, Bình Tâm, Chín Nghĩa… Đại diện các hãng xe này khẳng định trong thời gian cao điểm, ngoài lượng xe trên tuyến hoạt động hằng ngày sẽ tăng cường thêm đầu xe để phục vụ hành khách.
Tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), ghi nhận ngày 27-12, hành khách chủ yếu đặt vé đi nghỉ Tết Dương lịch. Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây, cho hay do đặc thù các tuyến xe đi về các tỉnh miền Tây là chặng ngắn nên hành khách chủ yếu mua vé rồi đi luôn trong ngày. Hiện bến xe đang xây dựng kế hoạch để phục vụ hành khách trong dịp Tết Nguyên đán. Riêng dịp Tết Dương lịch, Bến xe Miền Tây cũng đã bổ sung một số tuyến xe để đáp ứng đủ nhu cầu đi lại.
Vì sao vé máy bay Tết đắt đỏ?
Vì sao vé máy bay Tết quá đắt dù các hãng không công bố bán vé từ rất sớm, phó tổng giám đốc một hãng hàng không cho rằng nhu cầu đi lại dịp Tết của người dân rất cao, cầu vượt cung. Dù giá vé đắt mà vẫn hết cho thấy một bộ phận hành khách chấp nhận được mức giá cao này. “Mua vé sớm để chọn ngày bay, lịch trình tốt hơn, chứ không có nghĩa giá vé sẽ rẻ hơn” - vị phó tổng giám đốc này nói.
Bình luận (0)