Cũng có nhiều hành khách chưa cập nhật thông tin và nhà ga chưa rõ ràng trong việc phân phối vé nên dẫn đến cảnh “người ăn không hết, kẻ lần không ra”.
Mạng thông, nhà ga thoáng
Đúng 8 giờ ngày 1-10, ga Sài Gòn bắt đầu bán vé tàu Tết 2016 cho hành khách bằng hình thức đặt chỗ trên mạng và bán trực tiếp tại nhà ga thông qua số thứ tự đã được phát qua tin nhắn trước đó.
Trong ngày đầu, không còn thấy cảnh chen lấn như trước, thay vào đó là việc mua bán diễn ra trật tự, thông thoáng do công tác bán vé được tổ chức khá bài bản.
Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải Đường sắt Sài Gòn, cho biết mỗi ngày, ga Sài Gòn bán vé tàu Tết cho 1.000 số thứ tự (mỗi số thứ tự được mua tối đa 4 vé cho 1 lượt đi/về, tương ứng khoảng 4.000 vé) đã được phát trước đó. Riêng ngày 1-10, Chi nhánh Vận tải Đường sắt Sài Gòn chia từng khung giờ cụ thể để bán vé cho hành khách. Theo đó, trong 1.000 số thứ tự được phát qua tin nhắn bán trong ngày, nhà ga bán vé số 1-200 từ 8 giờ - 11 giờ, số 201-400 từ 11 giờ - 14 giờ, số 401-700 từ 14 giờ - 18 giờ, số 701-1.000 từ 18 giờ - 22 giờ. Khi hành khách đến mua vé, bảo vệ ga Sài Gòn sẽ xem nội dung tin nhắn đặt chỗ và chỉ những tin nhắn hợp lệ, đúng với ngày hẹn mới được lên lầu để chờ lượt mua vé.
“Những hành khách có số thứ tự không nằm trong khung thời gian trên sẽ không được vào khu vực bán vé để tránh tình trạng cùng tập trung một thời điểm gây lộn xộn, quá tải. Trong ngày, có vài trường hợp do chưa biết thông tin mua vé tại ga phải nhắn tin lấy số thứ tự nên phải ra về” - ông Văn nói.
Anh Bùi Văn Nam (ngụ quận 9) nhận xét: “Năm nay, mua vé tàu thuận tiện và nhanh chóng hơn nhiều so với những năm trước. Ban đầu, tôi cứ nghĩ sẽ quá tải nên “canh” từ 6 giờ sáng để nhắn tin lấy số thứ tự mua vé về quê Thanh Hóa và may mắn được số nhỏ nên khi đến ga lấy vé chỉ mất chưa đến 20 phút”.
Nhìn chung, trong ngày 1-10, hành khách đặt chỗ hay nhắn tin lấy số thứ tự thành công để đi các chặng dài như TP HCM - Hà Nội, TP HCM - Thanh Hóa đều mua vé dễ dàng.
Trong khi đó, hệ thống website bán vé tàu: www.dsvn.vn, vietnamrailway.vn và vetau.com.vn trong ngày 1-10 cũng hoạt động ổn định, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng như mọi năm. Sau khi chọn các mục điền thông tin, website sẽ hiện lên giờ tàu cho hành khách lựa chọn với những thông tin cụ thể về loại tàu, toa nào còn trống, tình trạng ghế (đã bán, chưa bán hay đang giao dịch)... Toàn bộ quá trình đặt vé mất khoảng 10-15 phút.
Cũng có một số thời điểm mạng bị chậm khiến nhiều người không thể thực hiện được thao tác. Chị Hằng (ngụ quận Bình Tân) cho biết: “Khoảng 10 giờ, tôi truy cập vào website bán vé để đặt chỗ về Tuy Hòa. Tuy nhiên, trên trang web chỉ hiển thị “không tìm thấy hành trình của tàu bạn tìm”. Ít phút sau, khi vào lại thì tất cả tàu đều không còn chỗ trống”.
Theo đại diện Tập đoàn FPT (đơn vị quản lý các website bán vé), trong ngày có một số thời điểm mạng bị chậm do ngành đường sắt đang tiến hành sắp lại vé trên hệ thống.
Mới bán đã khan
Điều làm không ít người phiền lòng và bức xúc chính là việc vé tàu chặng ngắn rất hiếm, rất ít người mua được, trong khi vé chặng dài ai muốn mua bao nhiêu cũng có.
Lấy số thứ tự thành công trong khung giờ thông báo giao dịch của nhà ga là 8 -11 giờ ngày 1-10 nhưng 9 giờ, anh Trần Huỳnh Thắng phải thất thểu ra về vì tấm vé về Tháp Chàm (Ninh Thuận) được nhân viên nhà ga thông báo không có. “Mới ngày đầu tiên mà đã không có vé là sao” - anh Thắng bức xúc.
Không chỉ riêng anh Thắng, trong ngày 1-10, nhiều hành khách có số thứ tự đến mua vé chặng ngắn về các tỉnh miền Trung vốn luôn “nóng” ở các năm trước là Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định... cũng không mua được vé. Không ít người đã phải mua vé chặng xa hơn rồi đi xe ngược lại quê nhà.
Chị Đặng Phương Linh (ngụ quận 2) bức xúc: “Tôi mua vé chặng TP HCM - Quảng Ngãi nhưng không được nên phải đặt chặng xa hơn và tốn thêm tiền. Đáng lẽ ga Sài Gòn phải thông báo cụ thể ngày nào bán vé chặng dài, ngày nào bán chặng ngắn để người mua biết và đỡ mất thời gian khi nhiều người phải đến ga chờ cả buổi nhưng lại về tay không”.
Ông Đinh Văn Sang, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Đường sắt Sài Gòn, lý giải: Những ngày đầu, công ty ưu tiên bán vé suốt chặng với 90% là vé chặng TP HCM - Hà Nội và 10% vé ở các chặng khác. Do đó, đã xảy ra tình trạng trên.
Ông Sang cho biết thêm những ngày tiếp theo, số lượng vé tàu đi các chặng ngắn sẽ được nâng dần lên từ 21% đến 48% theo từng ngày.
Tại sao lại có sự phân biệt như vậy? Ông Sang chia sẻ: Những ngày đầu nếu tập trung bán vé cho các chặng ngắn như về các tỉnh miền Trung thì lộ trình từ miền Trung đến Hà Nội, tàu sẽ phải chạy rỗng. Như vậy sẽ thiệt hại rất nhiều cho ngành đường sắt.
Theo thống kê của Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, đến 13 giờ 30 phút chiều 1-10, có 54.202 chỗ đặt thành công, xuất được 4.104 vé, bao gồm điểm bán vé tại ga Sài Gòn và các điểm ngoài ga.
Mua vé qua tổng đài: Nói cho có!
Theo ngành đường sắt, ngoài 2 hình thức mua vé đã nêu trên thì để phục vụ hành khách một cách thuận lợi nhất, ga Sài Gòn còn bán vé qua hình thức gọi tổng đài 08.3843 6528 để được giao vé tận nhà (miễn phí trong phạm vi 7 km, tính từ ga Sài Gòn đến nhà người mua).
Thế nhưng, hình thức bán vé này hoàn toàn không hoạt động. Anh Ngô Sỹ Bình bức xúc: “Tôi nghe thông tin có thể gọi qua số điện thoại tổng đài để đặt vé nhưng chờ cả ngày vẫn không được. Gọi cả chục lần chỉ nghe thông báo: Hiện tại, tất cả các điện thoại viên đều bận”.
Bình luận (0)