Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành quan trắc môi trường, kiểm tra chất lượng thủy sản, hải sản tại các tỉnh ven biển miền Trung sau sự cố do Formosa gây ra.
Mâu thuẫn các mẫu xét nghiệm
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy các mẫu hải sản lấy tại 4 tỉnh miền Trung thời gian qua có tỉ lệ vượt ngưỡng về kim loại nặng đã giảm nhiều, tính an toàn đã tăng lên. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, cho rằng cần có thêm các đánh giá để có thể khẳng định chính xác mức độ an toàn của thủy hải sản đối với sức khỏe con người.
Hải sản ngư dân thị xã Kỳ Anh đánh bắt về nhiều nhưng người tiêu dùng còn rất e dè
Bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục ATTP, cho biết đã có 435 mẫu cá được lấy trong những tháng qua. Các xét nghiệm xác định mức độ ô nhiễm vi sinh đặc biệt chú trọng nồng độ kim loại nặng, như: chì, cadimi, phenol… Kết quả xét nghiệm trong tháng 5 và 6-2016 ghi nhận nhiều mẫu không đạt, tất cả đều đã được thông báo đến Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm cơ sở cho việc phân luồng khai thác, kế hoạch quan trắc môi trường nước…
Gần đây nhất, vào tháng 7-2016, kết quả xét nghiệm ghi nhận 7/27 mẫu không đạt; trong 2 tuần đầu tháng 8-2016 còn 1/18 mẫu được xét nghiệm không đạt, là mẫu lấy tại cảng cá Hà Tĩnh. Kết quả này khác với kết quả của Cục ATTP công bố hồi tháng 5-2016: gần 140 mẫu xét nghiệm hải sản, nước sử dụng và rau ăn ở các khu vực có cá chết ở 4 tỉnh miền Trung đều đạt chỉ số an toàn hoặc trong ngưỡng cho phép. Lý giải về vấn đề này, ông Phong cho rằng bình thường bởi các lô xét nghiệm khác nhau.
Bộ TN-MT cũng công bố một số thành phần ô nhiễm có thể được thải tự nhiên, từ đó giảm chất độc trong cá. “Khi Bộ TN-MT công bố những địa điểm có thể nuôi được cá lồng bè, đó cũng là khu vực đã có thể ăn cá trở lại. Tuy nhiên, sự việc này liên quan mật thiết đến sức khỏe người dân nên hiện chưa thể khẳng định tất cả mẫu cá an toàn, đã ăn được hay chưa, vì chỉ còn 1/2 mẫu bị ô nhiễm, chưa đạt yêu cầu thì cũng vẫn còn nguy cơ” - ông Phong nhấn mạnh.
Chưa dám ăn hải sản
Tại vùng biển thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh những ngày cuối tháng 8-2016, tàu thuyền không còn tình trạng nằm dài gối bãi. Nhiều tàu cá của ngư dân đã ra khơi trở lại. Sau những chuyến đi biển, lượng hải sản đánh bắt được khá dồi dào nhưng việc tiêu thụ vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Tại các chợ ở những xã ven biển như Kỳ Lợi, Kỳ Phương, Kỳ Nam..., các quầy bán hải sản luôn vắng người mua. Chị Trần Thị Diêu, một tiểu thương chuyên bán hải sản ở khu vực xã Kỳ Lợi, cho biết: “Từ khi xảy ra sự cố môi trường, hải sản ngư dân đánh bắt về có giá rất thấp. Cá nục nhỏ trước đây giá 50.000-60.000 đồng/kg, giờ bán chưa tới 10.000 đồng/kg; mực trước đây giá khoảng 250.000-300.000 đồng/kg, nay chỉ bán được khoảng hơn 100.000 đồng/kg... Giá rẻ vậy nhưng vắng khách vì nhiều người vẫn sợ ăn hải sản sẽ bị nhiễm độc”.
Lo lắng của người dân cũng dễ hiểu bởi đến nay, vẫn chưa có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng về việc ăn hải sản đánh bắt ở khu vực gần bờ có thực sự an toàn hay không. Chị Nguyễn Thị Lan, ngụ thị xã Kỳ Anh, e dè: “Mấy tháng rồi không ăn cá biển nên gia đình tôi rất thèm. Nhiều lần đi chợ định mua nhưng lại sợ vẫn còn nhiễm độc nên không dám. Các cơ quan chức năng cần có kết luận sớm để người dân khỏi lo lắng”.
Việc người dân quay lưng với các loại hải sản không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của các ngư dân mà còn khiến hàng loạt quán xá, nhà hàng hải sản trên địa bàn thị xã Kỳ Anh lâm vào cảnh tiêu điều.
Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, cho biết Bộ Y tế vẫn tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm với mong muốn có sự an toàn tối đa cho sức khỏe người dân và chỉ số an toàn phải ổn định. Dự kiến hết tháng 8 hoặc sang tháng 9-2016 mới có thể công bố các mẫu cá an toàn.
Theo ông Phong, để chính thức công bố, Bộ Y tế đã thành lập hội đồng khoa học cùng xem xét, thống nhất các ý kiến trên cơ sở kết quả đã xét nghiệm.
Bình luận (0)