Thời gian qua, người dân tại TP HCM rất quan tâm đến 2 phương án mà Chính phủ sắp trình Quốc hội để giải quyết vấn đề người nghiện đang “nhức nhối” hiện nay. Hầu hết người dân, chính quyền và các tổ chức xã hội đều đồng tình việc nên đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện càng sớm càng tốt.
Thể hiện tính nhân văn
Phường 6, quận 8 được xem là địa bàn “nóng” về ma túy của TP. Mỗi buổi sáng, tại đây có khoảng 300 người từ các nơi đổ về điểm điều trị bằng cách uống Methadone. Ông Nguyễn Văn Quang - cán bộ phòng chống tệ nạn xã hội thuộc UBND phường 6, quận 8 - cho biết hiện phường có 57 người nghiện có hồ sơ quản lý, số mới phát hiện là 8 người. Trong 57 người được quản lý, có 36 người đang điều trị bằng Methadone.
“Nếu Quốc hội chấp thuận 1 trong 2 phương án mà Chính phủ trình, không riêng gì người dân TP mà các địa phương khác trên cả nước cũng rất phấn khởi” - ông Quang nhận định.
Theo ông Phạm Văn Đồng (SN 1964; ngụ phường 6, quận 8), sớm đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện bắt buộc là giúp họ sửa chữa lại nhân cách, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Hiện tại, địa phương này có rất nhiều gia đình muốn nhà nước đưa con em của họ vào các trung tâm cai nghiện bắt buộc.
Cũng tán thành chủ trương gỡ nút thắt về xử lý người nghiện mà Chính phủ vừa đưa ra, ông Nguyễn Hữu Hạnh, chủ mái ấm Cầu Dừa (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) - nơi nuôi dưỡng, chăm sóc, hỗ trợ tinh thần cho người nghiện ma túy, người có HIV, cho rằng nên đưa người nghiện đi cai tập trung càng sớm càng tốt bởi chỉ tổ chức có chuyên môn, nghiệp vụ mới giúp họ cắt cơn, chữa bệnh tốt nhất.
Theo ông Hạnh, hơn 10 năm nuôi dưỡng, hỗ trợ hàng trăm người nghiện, chỉ số ít với ý chí quyết tâm cao là cai ma túy được, còn lại chỉ khi nào họ đi không nổi hoặc không có tiền mới không sử dụng ma túy. Hễ có cơ hội ra khỏi mái ấm là họ tìm mọi cách sử dụng lại ma túy. Ông Hạnh thường xuyên bị công an các nơi gọi đến yêu cầu bảo lãnh người nghiện về vì họ trộm đồ trong siêu thị, tiệm tạp hóa.
“Mái ấm Cầu Dừa chỉ hỗ trợ tinh thần, nơi ăn chốn ở, nhắc nhở người nghiện về tác hại của ma túy chứ không sao cắt cơn nghiện được. Muốn làm điều đó phải có một tổ chức chuyên môn” - ông Hạnh nói.
PGS-TS - Nhà giáo Ưu tú Trịnh Trung Hiếu cho rằng việc đưa người nghiện vào các trường giáo dục, trại cai nghiện là thể hiện tính nhân văn. “Tại các cơ sở chữa bệnh, các trung tâm cai nghiện bắt buộc, người nghiện luôn được sự chăm sóc của bác sĩ và học nghề. Tất nhiên, nhà nước phải phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội và gia đình để chung tay giúp người nghiện lấy lại nhân cách” - ông Hiếu nêu quan điểm.
“Người trong cuộc” cũng đồng tình
Để minh chứng cho việc người nghiện cũng đồng tình đi cai, ông Phạm Văn Đồng đưa chúng tôi đến nhà bà Võ Thị Tư (SN 1932; ngụ phường 6, quận 8), có con là anh Trương Hoàng Tùng (SN 1976), nghiện ma túy hơn chục năm qua.
Trước kia, nhà nước đã từng đưa anh Tùng vào trung tâm cai nghiện bắt buộc. Khi hết thời hạn 4 năm, anh Tùng về nhà nhưng tiếp xúc với bạn cũ và nghiện trở lại, gia đình phải đưa đi cai theo dạng đóng tiền. Sau đó, do không có tiền nên bà Tư buộc phải cho anh Tùng… dừng cai nghiện.
“Hiện nay, Tùng phụ gia đình bán cơm. Mỗi ngày, ngoài tiền công, tôi còn cho Tùng 50.000-60.000 đồng, tất cả tiền kiếm được nó đều mua ma túy để sử dụng. Nếu nhà nước sớm đưa người nghiện đi cai bắt buộc, không những tôi ủng hộ mà chính thằng Tùng cũng đồng tình” - bà Tư bộc bạch.
Theo ông Nguyễn Văn Quang, người dân tại phường 6, quận 8 vẫn chưa quên chuyện một người nghiện sang phường 12 mua 2 tép heroin. Sau khi dùng 1 tép, người này cầm tép còn lại đến công an phường để… trình báo mình sử dụng ma túy và đề nghị được đưa vào trường cai nghiện bắt buộc.
Anh N.T.H (SN 1979, ngụ huyện Hóc Môn) - nghiện ma túy từ năm 1998, chia sẻ: “Người nghiện rất khó tự cai dù có quyết tâm cao bởi ra đường không khó để tìm một nơi mua bán ma túy, rồi bạn bè nghiện cũng rủ rê là chơi lại. Nếu đi cai tập trung, hạn chế tiếp xúc với những cám dỗ trên thì khả năng cắt cơn sẽ dễ hơn”.
Bà Phạm Đoan Trang (ngụ quận 12) cũng nhiều lần đến xin công an phường đưa con đi cai bắt buộc để gia đình đỡ bị mắng vốn nhưng không được đáp ứng vì vướng luật. “Tôi rất mong con hết nghiện để làm lại cuộc đời” - bà Trang nói.
Năm cái lợi
Trung tá Nguyễn Hữu Tài, Trưởng Công an xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn - địa bàn “nóng” bởi điểm mua bán ma túy khu vực vòng xoay An Sương, cho rằng nếu TP HCM có một nơi tổ chức cai nghiện tập trung để cắt cơn, giải độc, chữa bệnh cho người nghiện thì sẽ mang lại 5 cái lợi: giúp địa phương dễ quản lý người nghiện; giúp người nghiện cắt cơn, chữa bệnh; giúp kéo giảm tội phạm hình sự, ổn định an ninh trật tự; không thu hút người nghiện mới và cắt một nguồn cung ma túy lớn, chặn đứng mọi hành vi nhen nhóm bán buôn ma túy trên địa bàn.
Bình luận (0)