xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Chúng tôi khỏe rồi!”

Bài và ảnh: Phan Anh

Sau một thời gian cắt cơn, giải độc, những người nghiện được tập trung vào 2 cơ sở xã hội Nhị Xuân và Bình Triệu (TP HCM) đã tươi tỉnh, khỏe mạnh

Sáng 23-12, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận đã đến thăm, làm việc tại 2 cơ sở xã hội Bình Triệu (quận Bình Thạnh) và Nhị Xuân (huyện Hóc Môn). Tại mỗi cơ sở, ông Hứa Ngọc Thuận đến từng phòng cắt cơn, giải độc và khu sinh hoạt để thăm hỏi người nghiện.

Như đang ở nhà

Đến phòng cắt cơn, giải độc, ông Hứa Ngọc Thuận hỏi: “Mọi người vào đây thấy thế nào, đã ăn được cơm chưa?”. “Đang trong giai đoạn cắt cơn, giải độc nên chúng tôi chưa được khỏe hẳn, phải chống chọi với những cơn thèm thuốc nhưng cán bộ động viên rất nhiều, tận tình chăm sóc. Qua được giai đoạn cắt cơn, giải độc, chúng tôi sẽ khỏe lại” - đại diện người nghiện trả lời.

Vừa đặt chân đến khu sinh hoạt (sau khi cắt cơn, giải độc thành công, người nghiện được chuyển sang khu sinh hoạt bình thường), đoàn lãnh đạo TP được người nghiện đồng loạt vỗ tay chào đón với tinh thần tỉnh táo, khỏe mạnh. Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận hỏi: “Mọi người khỏe hẳn chưa, cơm ở đây ăn được không?”. “Dạ, chúng tôi khỏe hết rồi, ăn cơm ở đây như ở nhà” - người nghiện đồng loạt trả lời.

Sau khi hỏi thăm tình hình sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, ông Hứa Ngọc Thuận giải thích cho người nghiện về chính sách của TP đối với họ. “TP rất quan tâm và luôn tạo mọi điều kiện để người nghiện làm lại cuộc đời. Dính vào ma túy là giết chết tuổi xuân, các em còn quá trẻ, phải ráng cai nghiện để trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời” - ông Thuận động viên. Đến nhà ăn cơ sở xã hội Bình Triệu, chúng tôi thấy một phần cơm trưa dành cho người nghiện có đùi gà, rau xào và canh thịt.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận thăm hỏi, động viên người nghiện tại cơ sở xã hội Nhị Xuân
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận thăm hỏi, động viên người nghiện tại cơ sở xã hội Nhị Xuân

L.V.M (18 tuổi, quê tỉnh Đồng Nai) bỏ nhà đến huyện Nhà Bè, TP HCM chơi với bạn. Khi công an phát hiện, kiểm tra M. có kết quả dương tính với ma túy nên đưa về cơ sở xã hội Bình Triệu ngày 15-12. M. cho biết bị bạn bè rủ rê chơi ma túy đá hơn 1 tháng nay. “Em mới chơi nên cai khá dễ, không bị vật vã. Sau khi trở về, em sẽ học tiếp nghề sửa xe để phụ mẹ” - M. tâm sự.

Ông N.T.L (ngụ phường Tân Định, quận 1) nghiện ma túy đã 8 năm, từng thử cai tại gia đình 2 lần nhưng không thành công. “Mỗi ngày, tôi chơi ma túy hết 300.000 đồng. Mấy ngày đầu mới vào cai, tôi thấy rất vật vã, không thiết ăn uống gì nhưng nay đã đỡ hơn nhiều rồi. Giờ cho tôi đi mấy năm cũng được, tôi đều chấp hành. Ở trong này, tôi còn có cơ hội làm lại cuộc đời” - ông L. nói.

Khi được chúng tôi hỏi về tâm trạng khi vào cơ sở xã hội Bình Triệu, T.V.T bày tỏ: “Cảm ơn nhà nước và mấy cán bộ lắm, ở ngoài kia tụi em không làm gì được. Vô đây được cho ăn uống, chữa bệnh, tụi em mừng lắm!”.

11 trường hợp đi cai bắt buộc

Theo báo cáo của UBND TP HCM, tính đến chiều 22-12, 2 cơ sở xã hội Nhị Xuân và Bình Triệu đã tiếp nhận hơn 1.300 người nghiện; xác định được tình trạng nghiện hơn 1.050 người, trong đó có hơn 410 người sử dụng ma túy tổng hợp (ma túy đá). Cơ sở xã hội Bình Triệu chuyển hơn 100 hồ sơ về các quận, huyện để tổng hợp. TAND các quận 9, Gò Vấp và Bình Thạnh đã đến hẹn lịch xét họp đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Dự kiến, ngày 29-12 sẽ diễn ra phiên họp đầu tiên của TAND quận Gò Vấp.

Tại cơ sở xã hội Nhị Xuân, sáng 23-12 đã tiến hành phiên họp với 11 người nghiện ở quận. Phiên họp diễn ra đúng theo quy định gồm có thẩm phán, thư ký tòa, VKS...Kết quả, 11/11 người nghiện được đưa đi cai bắt buộc tại Trường Giáo dục Đào tạo và Giải quyết việc làm số 3 thuộc Lực lượng TNXP TP HCM ở tỉnh Bình Dương.

Theo bác sĩ Danh Thị Minh Hà, Phó Giám đốc cơ sở xã hội Bình Triệu, giai đoạn khó nhất là lúc tiến hành cắt cơn, giải độc cho người nghiện. “Những ngày đầu, những người nghiện mới vào cơ sở đều có tâm lý hoảng loạn, thèm thuốc. Tuy nhiên, với những liệu pháp trong cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý, phục hồi, chăm sóc sức khỏe có lồng ghép điều trị Methadone, đa phần người nghiện đã hết biểu hiện lên cơn” - bác sĩ Hà nói.

Theo Giám đốc cơ sở xã hội Bình Triệu Lê Bá Hoàng, ngoài việc thảo luận về kế hoạch điều trị phù hợp nhất với hoàn cảnh và điều kiện của từng người, điều mà cán bộ quan tâm nhất là thực hiện liệu pháp tâm lý cá nhân giúp người nghiện tháo gỡ những vướng mắc, lo lắng về gia đình, sức khỏe, bệnh tật.

Còn tại cơ sở xã hội Nhị Xuân, theo Giám đốc Bùi Thanh Tuấn, thời gian đầu do vừa phải sửa chữa cơ sở vật chất vừa tiếp nhận người nghiện số lượng lớn nên đã có sự lúng túng nhưng đã kịp thời xử lý.

“TP sẽ cử 2 đội văn nghệ đến 2 cơ sở để phục vụ người nghiện trong dịp Tết Dương lịch và hỗ trợ mỗi cơ sở 50 triệu đồng” - ông Hứa Ngọc Thuận cho biết.

Người nghiện được ăn theo quy định là 40.000 đồng/ngày; trong các ngày cắt cơn, giải độc sẽ có thêm bữa ăn sau 20 giờ.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo