xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyện một người mù gùi đạn

Bài và ảnh: Hoàng Dũng

Để những chuyến hàng vượt bom đạn vào chiến trường miền Nam, ngoài thanh niên xung phong và bộ đội chính quy, rất nhiều đồng bào ở miền Bắc, miền Trung cũng đã hăng hái tham gia. Thậm chí một người mù lòa như Alăng Bhuôch vẫn hăng say gùi đạn suốt 14 năm liền

img

Đã bước qua tuổi 80, hằng ngày Alăng Bhuôch vẫn  xúc đất, dọn vườn để cải thiện cuộc sống

Sau một buổi chờ đợi, cuối cùng, chúng tôi cũng gặp được người mù huyền thoại Alăng Bhuôch (SN 1931, dân tộc Cơ Tu, ở thôn Arung, xã Bhalêê, huyện Tây Giang, Quảng Nam) trong ngôi nhà tình nghĩa trên một đoạn đường Trường Sơn năm xưa đi qua tỉnh Quảng Nam. Với người dân vùng Arung, việc nhìn thấy Alăng Bhuôch xúc đất, dọn vườn, đào ao thả cá là chuyện bình thường, bởi  họ đã quen với hình ảnh này từ suốt 50 năm nay rồi. Nhưng với những người mới lần đầu diện kiến như tôi, ông giống như một huyền thoại sống, một tượng đài của chủ nghĩa yêu nước.


Mù mắt, không mù trái tim


Alăng Bhuôch sinh ra trong một gia đình nghèo có 4 người con. Năm lên 10 tuổi, cha ông và người anh cả qua đời trong cơn bạo bệnh. Bản thân Alăng Bhuôch bị đau một trận sống dở chết dở, rồi hai mắt của ông bị mù. Không cam chịu số phận, ngày ngày Alăng Bhuôch vẫn mò mẫm theo mẹ vào rừng kiếm củi, lên rẫy bẻ bắp, tuốt lúa. Không ít lần Alăng Bhuôch hỏi mẹ: “Mẹ ơi, trời bao giờ thì sáng”. 


Tai của Alăng Bhuôch rất thính. Mỗi lần nghe các bạn cùng lứa kể chuyện giặc ném bom tàn phá buôn làng, rồi việc bạn bè cùng lứa lần lượt tham gia cách mạng, Alăng Bhuôch ray rứt. “Mình không thể cầm súng nhưng có thể tham gia vận chuyển lương thực, súng đạn để giúp bộ đội chiến đấu” - Alăng Bhuôch tự bảo với mình. Nghĩ là làm, ông xin  mẹ cho tham gia tải đạn. Người mẹ một mực không cho, nhưng Alăng Bhuôch năn nỉ: “Con mù mắt nhưng không mù trái tim mà”. Mãi rồi người mẹ cũng phải xiêu lòng.


Năm 1958, Alăng Bhuôch chính thức tham gia cách mạng với công việc vận chuyển hàng hóa, lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam.  Với chiếc gùi trên vai cùng với cây gậy dò đường, ông cùng hàng ngàn dân công các xã A Vương, A Nông, Bađun, C’ghiêr, Ca Nung và xã Ba... vượt Trường Sơn vận chuyển hàng tấn lương thực, thực phẩm từ kho A Zứt, xã A Vương lên các xã vùng cao, thuộc các điểm: Aroch, A Bí (xã A Tiêng), Voòng, P’dâm (xã Tr’hy) chi viện cho bộ đội. Alăng Bhuôch cho biết thời gian đầu tham gia công việc vận chuyển rất khó nhọc, ông phải bám theo chân những người đi trước. Phải mất hơn 3 tháng  trời, ông mới quen được đường đi, lối về. Trong suốt 5 năm từ 1958 - 1962, ông đã cõng hàng tấn lương thực đi qua những con dốc cao như Apác, đèo Coong Zờng, qua sông Lăng, dốc Ch’zách, Ch’rếch rồi lên tới dốc núi Tr’hy. Mãi đến năm 1963, ông bắt đầu tham gia vận chuyển vũ khí, súng đạn. Đến năm 1967, Bhuôch được điều động bổ sung vào Đoàn Trung Sơn trực thuộc Tỉnh đội Quảng Nam, điểm trực là kho 31 tại hang Khỉ, chân dốc Alơơl - ranh giới giữa huyện Hiên (Quảng Nam) và huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế).


14 năm,gùi 182 tấn hàng


Alăng Bhuôch cho biết trong suốt khoảng thời gian tham gia vận chuyển vũ khí, kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông là vào năm 1968. Ấy là lúc chiến trường cấp bách rất cần đạn dược, cấp trên tổ chức cuộc gặp khẩn với những người tham gia tải đạn để thông báo công việc nặng nhọc là gùi loại đầu đạn A12 nặng gần 100 kg.


Alăng Bhuôch là một trong những người xung phong vận chuyển đầu đạn này. Thấy ông quyết tâm, cả đồng đội đều phấn khích. Liên tục gùi trong 5 ngày 6 đêm không ngủ, Alăng Bhuôch cùng đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ. Do nhu cầu chiến trường rất cần vũ khí nên ông tình nguyện tải đạn ròng rã suốt 3 tháng trời, dường như không nghỉ, dò dẫm bước thấp bước cao, trèo đèo lội suối để chuyển đạn cho chiến trường. Với thành tích xuất sắc này, Alăng Bhuôch vinh dự nhận danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc và được cử đi báo cáo điển hình.


Vậy là, trong suốt quá trình tham gia vận chuyển lương thực, tải đạn, nếu tính bình quân mỗi ngày đêm gùi khoảng 50 kg thì trong vòng 14 năm, từ năm 1958 đến 1972, Alăng Bhuôch đã gùi khoảng 182 tấn hàng các loại, trong đó vũ khí là 120 tấn, lương thực 62 tấn. Bằng lòng yêu nước, ông đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất và bằng khen của UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Alăng Bhuôch còn là nghệ nhân chế tác nhiều nhạc cụ độc đáo của đồng bào Cơ Tu như đàn brêê, abel... Từ bao lâu nay, đêm đêm bà con dân tộc Cơ Tu ở thôn Arung, xã Bhalêê, huyện Tây Giang, Quảng Nam đã quen với tiếng đàn của Alăng Bhuôch. Tiếng đàn lúc như chơi vơi bên rừng núi, lúc văng vẳng thánh thót như tiếng chim rừng.

Đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng cho Alăng Bhuôch


Chuyện gùi đạn dược, lương thực của Alăng Bhuôch từ lâu đã trở thành niềm tự hào của đồng đội và người dân tộc Cơ Tu ở thôn Arung, xã Bhalêê, huyện Tây Giang, Quảng Nam. Bà con dân tộc ở đây rất mong muốn những việc làm anh hùng của người con quê hương được Tổ quốc ghi công.


Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy huyện Tây Giang Nguyễn Ngọc Sáng cho biết huyện đã lập tờ trình gửi cấp trên làm thủ tục phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Alăng Bhuôch.


Kỳ tới: Alăng Bin thiện xạ

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo