Từ năm 1974, trong suy nghĩ của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, mảnh đất được chọn xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn phải là nơi địa đầu của miền Nam, gắn kết khăng khít với lịch sử bộ đội Trường Sơn.
Đất linh thiêng thành công viên độc đáo
Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên nhớ lại rằng với những tiêu chuẩn đó, khu vực đồi Bến Tắt ở thượng nguồn phía bờ Nam sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị, đã được chọn xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn để “Vạn thuở lưu danh liệt sĩ/ Ngàn đời tạc sử Trường Sơn”.
Khu đồi Bến Tắt nằm cạnh trục đường Hồ Chí Minh, phía Đông Trường Sơn, có đồi núi, sông, đường giao thông, địa lý, địa hình ở vào thế địa linh. Ngày 24-2-1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã khởi công xây dựng nghĩa trang. Nơi đây bây giờ đã trở thành một công viên tưởng niệm độc đáo, được chọn làm nơi để giáo dục lý tưởng sống của nhiều thế hệ.
Toàn bộ nghĩa trang được bố trí trên một khu vực có 11 quả đồi liên tiếp, rộng gần 100 ha, cảnh quan tuyệt đẹp, mỗi quả đồi được thể hiện một chức năng khác nhau. Quả đồi trung tâm là nơi đặt tượng đài và sân hành lễ, sáu quả đồi lượn theo thế hình vòng cung hướng về phía Tây dành để bố trí các khu mộ liệt sĩ an táng theo từng tỉnh.
|
Toàn bộ được chia thành 24 khu mộ, bố trí theo địa hình cao thấp khác nhau tạo thế che chắn, ẩn hiện, tĩnh lặng, tránh gây ấn tượng nặng nề đối với thân nhân và du khách mỗi khi đến thăm viếng; hai quả đồi hai bên một là nhà bia, một là khu quần tượng gồm tượng hợp đồng binh chủng, tượng cô gái chữa đường ống xăng dầu, tượng tuổi trẻ hành quân vào Nam chiến đấu, tượng bà mẹ Lào buộc chỉ đỏ vào tay anh bộ đội VN và đứa trẻ Lào tặng anh bộ đội cái típ xôi, tượng cô gái Vân Kiều tải đạn ra chiến trường, tượng cô gái giao liên đi làm nhiệm vụ về một tay xách măng, một tay cầm rau rừng...
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn bây giờ đã trở thành một điểm đến không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước.
Mỗi ngày một vạn bước
Hiện tại, có 10.263 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Ban Quản trang có 20 cán bộ và nhân viên. Công việc hằng ngày của các anh chị là đón khách, quét dọn vệ sinh, dâng hương đều khắp trên từng nấm mộ liệt sĩ. Để hoàn thành công việc, trung bình mỗi người ở đây mỗi ngày phải đi bộ ít nhất là một vạn bước.
Càng ngày du khách, thân nhân đến thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn càng đông hơn, công việc của Ban Quản lý nghĩa trang lại càng bề bộn. Những dịp lễ, tết, các cán bộ, nhân viên quản trang phải phục vụ suốt ngày đêm mới kịp cho du khách hành lễ. đến cuối ngày, các anh chị phải tập trung làm vệ sinh để sáng mai kịp đón khách trở lại.
Hằng tháng, cứ đến đêm mùng 1 và ngày rằm, cán bộ, nhân viên quản trang lại vác từng bao tải nhang đi thắp đủ trên từng phần mộ liệt sĩ, xong việc trở về nhà thì kim đồng hồ đã chỉ sang ngày hôm sau. Ông Hồ Tất Ái, Trưởng Ban Quản trang, nói: “Những nén nhang như có hồn. Thắp cho các anh xong, chúng tôi cảm thấy thanh thản trong lòng”.
Tình nguyện đến ở lại với nghĩa trang
Ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có chị Nguyễn Thị Bé, nhân viên của Ban Quản lý nghĩa trang. Chị là một trong ít người đầu tiên có mặt tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn từ khi công việc xây dựng vừa hoàn thành.
Ngày ấy chị Bé gửi đơn tình nguyện lên và ở lại luôn tại nghĩa trang để chăm sóc nơi yên nghỉ của các liệt sĩ. Công việc hằng ngày của chị là dọn dẹp vệ sinh, hương khói cho phần mồ các liệt sĩ. Sự hiện diện của một người con gái giữa núi rừng heo hút, hoang vu làm không ít người cảm phục.
Chị Bé nhớ lại: “Quê tôi ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Hồi ấy tôi là bộ đội, vừa từ chiến trường trở về. Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn vừa xây dựng xong, nhưng quá xa xôi nên khi nói đến đây ai cũng sợ. Tôi hiểu đồng đội của mình muốn gì nên tình nguyện đến để chăm sóc đồng đội trong thời gian sớm nhất”.
Hơn 30 năm sống bên cạnh các liệt sĩ, bây giờ chị Bé đã ngoài tuổi 50. Những người đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn sau chị bây giờ cũng đã nhiều người về hưu, chuyển công tác, có người đã mất.
Đạn bom không khuất phục được ý chí
|
Kỳ cuối: Bảo tàng kỷ vật
Bình luận (0)