Từ tháng 8-1968 trở đi là giai đoạn giặc Mỹ điên cuồng ném bom xuống cung đường Trường Sơn Tây. Tại các trọng điểm, Mỹ thả rất nhiều bom nổ chậm, bom từ trường, bom phát quang... trong đó có loại bom từ trường rất nguy hiểm, chủ yếu hủy diệt phương tiện ô tô vận tải hàng hóa, vũ khí của quân giải phóng. Loại bom này sau khi từ máy bay được thả xuống là cứ nằm đợi đó, chờ tín hiệu có kim loại như xe vận tải, súng đạn... của ta là cảm ứng phát nổ để hủy diệt. Để phá bom cho xe thông đường, trong hoàn cảnh bấy giờ công binh của ta sử dụng các biện pháp thô sơ, rất nguy hiểm.
|
Ở trần, mặc quần cộc đi gỡ bom
Ông Thơ nhớ lại, mỗi lần phát hiện có bom từ trường, ông cùng anh em công binh cởi áo quần ra ở trần để bom không bắt được tín hiệu có sắt trên người từ nút áo, thắt lưng... Dụng cụ phá bom là một sợi dây dài hơn 30 m, buộc một miếng sắt nhỏ vào để kích nổ. Ông và đồng đội phải nấp vào gốc cây to, dùng tay điều chỉnh dây để kéo miếng sắt tiến gần quả bom, bắt được tín hiệu, bom phát nổ xé trời đất.
Một phương pháp khác là chập điện gây nổ bom từ trường. Nối 4 viên pin vào ống nứa buộc lại. Kéo sợi dây điện bằng kim loại đồng vòng quanh quả bom. Xong đâu đấy, ông Thơ cùng đồng đội nấp vào gốc cây rồi đóng điện làm cho bom phát nổ. Nguy hiểm không kém là khi những quả bom từ trường nằm sâu trong đất thì phải dùng xẻng đào, tìm ra bom mới hủy được. Mỗi chiến sĩ chỉ đào 15 phút rồi lên, đợi một lúc xem bom có tự phát nổ hay không. Nếu chưa nổ thì chiến sĩ khác vào vị trí có bom tiếp tục đào để tìm chỗ đặt bộc phá giật nổ. Có người không may, khi vừa bước vào vị trí bom lập tức bom phát nổ. Nhất là về mùa mưa, dông tố thì bom từ trường thường nổ bất ngờ.
Ngồi trên đầu xe làm mồi
Đôi lúc giữa đường không còn bom nhưng khi xe tiến lên vẫn bị phá hủy vì những quả bom hai bên đường bắt tín hiệu gây nổ. Để bảo đảm an toàn cho lái xe, Tư lệnh Đoàn 559 Đồng Sĩ Nguyên chỉ đạo anh em cán bộ công binh phải ngồi trên đầu xe đi đầu, dẫn đường cho xe qua vùng trọng điểm.
Sau khi cân nhắc mọi điều, ông Thơ quyết định không ngồi trên đầu ô tô nữa, mà đi ngay trước đầu xe. Làm vậy rất nguy hiểm, song đổi lại lái xe và cả đoàn ô tô vận tải được an toàn hơn. Trong hoàn cảnh bấy giờ, bảo vệ an toàn cho đoàn xe vận chuyển vũ khí là mối quan tâm hàng đầu. Giờ cao điểm đã đến, ông tự nguyện cởi hết áo quần, đi trước đầu xe, dẫn đường cho xe qua. Hết chiếc xe này đến chiếc xe khác đã vượt qua các trọng điểm. Mỗi lần nhận nhiệm vụ đi đầu dẫn đường cho xe qua là mỗi lần cái chết kề bên nhưng ông Thơ vẫn hiên ngang. Ông nói, những lúc đó mạng sống của ông mỗi ngày được nâng lên, đặt xuống đến hàng trăm lần. Bởi vì bom Mỹ thả xuống nằm dày như khoai lang giữa ruộng. Tháo gỡ thành công một quả bom là biết mình còn sống thêm được vài phút. Và khi ngồi phá hủy bom thì cũng chẳng cần quan tâm đến mạng sống của mình làm gì. Hơn ai hết, ông Thơ hiểu rằng vẫn còn dày đặc bom giữa rừng thì ông và chiến sĩ của mình phải luôn đối đầu với thần chết.
B52 dập 15 trận vẫn sống
Tôi hỏi kỷ niệm nào làm ông nhớ nhất trong đời phá bom, thông đường Trường Sơn? Mắt đỏ hoe, ông Thơ chùng giọng, đó là vào ngày 15-7-1972 tại Km 5, đường 10, thuộc tỉnh Quảng Bình. Tiểu đoàn của ông đón một đại đội dân công hỏa tuyến và một lực lượng lớn là công nhân kỹ thuật ở Hà Nội chi viện vào để sửa chữa xe cộ, tháo bom mìn phục vụ chiến đấu. Bị quân Mỹ phát hiện nên đơn vị của ông liên tục bị B52 thả bom. Tối 15-7, máy bay ném bom trúng sở chỉ huy đơn vị làm chết 56 chiến sĩ.
Ông cho tôi xem nhật ký chiến tranh của ông viết. Những dòng chữ đẫm máu và nước mắt: “Em Ngà bị bom cắt mất mặt, còn chỏm tóc dài; anh Tạo mất một chân, một tay; anh Thương bị mảnh bom xuyên qua đầu, nhiều người nữa bị sức ép của bom nên không qua nổi...”. Riêng ông Thơ vẫn không hiểu vì sao lúc đó mình thoát chết được. Trong vòng một tuần lễ, ông bị máy bay B52 thả bom đến 15 lần, mỗi lần như vậy thân hình ông chỉ còn duy nhất chiếc thắt lưng, máu me nhuộm đỏ cả người, vậy mà ông vẫn sống sót.
Bây giờ ở tuổi 70, ông Thơ quay về sinh sống ở quê hương với vai trò là Trưởng Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sơn, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Quảng Trị.
Máy bay Mỹ bó tay
|
Kỳ tới: Chuyện tình trên đỉnh Trường Sơn
Bình luận (0)