Từ ngày 7 đến 9-11, hai hồ thủy điện Sông Hinh và Sông Ba Hạ ở Phú Yên lại tiếp tục xả lũ, lưu lượng có lúc lên đến gần 7.000 m3/giây. Do đó, đến trưa 9-11, sông Ba đạt đỉnh lũ mức báo động 3.
“Trị” thẳng tay nếu gây thiệt hại
Trước đó, như Báo NLĐ đã thông tin, ngày 2-11, Thủy điện Sông Ba Hạ cũng đã xả lũ với lưu lượng đến hơn 6.000 m3/giây nhưng không báo cho UBND tỉnh Phú Yên trước 2 giờ theo đúng quy trình.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, việc xả lũ của thủy điện này đã gây ngập nặng hạ du sông Ba, gây khó khăn trong công tác điều hành sơ tán người, di dời tài sản nhân dân đến nơi an toàn.
Đây không phải là lần đầu Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ gây ngập nặng cho hạ du. Vào đầu tháng 11-2009, khi cả tỉnh Phú Yên còn đang bàng hoàng với cơn lũ quét ở hai huyện Đồng Xuân, Tuy An và thị xã Sông Cầu tại phía Bắc thì ngày 4-11-2009, các huyện phía nam Phú Yên và TP Tuy Hòa đã chìm ngập trong biển nước, sau chưa đầy một ngày bị Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 14.000 m³/giây.
Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, ông Nguyễn Bá Lộc, Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Phú Yên, nhận xét: “Tôi đã yêu cầu các nhà máy thủy điện chủ động hơn trong công tác xả lũ.
Phải làm sao để việc xả lũ cũng mang tính dự báo và khoa học, nghĩa là xả lũ liên tục với lưu lượng vừa phải, bảo đảm không gây ngập nặng làm thiệt hại cho hạ du, vừa đảm bảo an toàn cho hồ chứa.
Các hồ thủy điện đầu nguồn sông Ba xả lũ khiến nhiều vùng ở huyện Tây Hòa - Phú Yên ngập nặng. Ảnh: AN BANG
Việc Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ ào ạt như ngày 2-11 vừa qua là vì họ chưa có kinh nghiệm trong điều tiết lũ. Những người lãnh đạo nhà máy này có lẽ sợ nước trong hồ không đủ để phát điện nên giữ lại, đến khi thấy lũ về nhiều mới hoảng hốt và xả ào ạt”.
Tuy nhiên, ông Lộc đánh giá việc các thủy điện ở Phú Yên xả lũ từ đầu tháng 11 đến nay chưa gây thiệt hại nghiêm trọng đến hạ du.
“Nếu xả lũ sai quy trình như thủy điện Sông Ba Hạ sáng 2-11 mà gây thiệt hại nghiêm trọng cho hạ du, chúng tôi sẽ “trị” thẳng tay! Đương nhiên, người dân cũng hoàn toàn có thể kiện nếu thủy điện gây thiệt hại cho họ” - ông Nguyễn Bá Lộc khẳng định.
Lèng èng hỗ trợ nông dân
Trong đợt mưa lũ vừa qua, hồ Thủy điện Đa Nhim (huyện Đơn Dương - Lâm Đồng) đã xả lũ với lưu lượng 150 – 500 m3/giây khiến hàng trăm hecta rau màu của nông dân phía hạ lưu sông Đa Nhim thuộc hai huyện Đức Trọng và Đơn Dương ngập úng. Trong đó, huyện Đơn Dương bị thiệt hại nặng, ước đến 23 tỉ đồng.
Trước tình hình đó, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã gửi văn bản lên UBND tỉnh và Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi kiến nghị hỗ trợ kinh phí cho nông dân khắc phục hậu quả.
Ông Trần Duy Việt, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng có cơ chế, chính sách tăng cường quản lý việc thực hiện các quy trình, quy định về xây dựng và vận hành các công trình thủy điện để không xảy ra thiệt hại cho nông dân. Khi xảy ra thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng, các công ty thủy điện nên chia sẻ rủi ro với nông dân”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Oánh, Giám đốc Công ty Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi, khẳng định hồ Thủy điện Đa Nhim xả lũ đúng quy trình; đồng thời nông dân đòi bồi thường, hỗ trợ là không có cơ sở vì diện tích hoa màu bị thiệt hại đều do họ lấn chiếm lòng sông canh tác.
“Chúng tôi xả nước xuống sông chứ không xả vào vườn rau của nông dân” - ông Oánh nói. Trong khi đó, ông Đinh Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, cho rằng diện tích bị ngập không hoàn toàn do dân lấn chiếm lòng sông.
Ông Oánh cho biết đến chiều 9-11, công ty vẫn chưa nhận được văn bản kiến nghị của hội nông dân. “Sáng nay, đoàn công tác của công ty đi kiểm tra có trao đổi với địa phương. Cấp xã, huyện nói chúng tôi xả lũ thận trọng, giảm thiểu tối đa thiệt hại. Chủ tịch tỉnh cũng công nhận như vậy. Còn muốn làm rõ thiệt hại do chủ quan, vô ý hay cố ý, cần cơ quan chức năng kiểm tra” - ông Oánh khẳng định.
Tôi sẽ chất vấn Bộ Công Thương!
Ông Lê Thanh Phong, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, khẳng định như vậy về việc hồ Thủy điện Đa Nhim và các thủy điện khác nói chung xả lũ ồ ạt nhưng không quan tâm đến thiệt hại của người dân.
Theo ông Phong, lãnh đạo Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa My phải bàn bạc với người dân và chính quyền, xem xét mức độ thiệt hại để khắc phục, hỗ trợ cho dân.
“Nhiều năm nay, tình trạng xả lũ không theo quy trình của các thủy điện đã gây bức xúc cho người dân.
Lúc người dân hạ lưu cần nước canh tác thì thủy điện giữ để phát điện, khi mưa lũ lớn tới lúc phải xả thì thủy điện xả ngay xuống dưới vùng hạ du và người dân lãnh đủ. Đáng lẽ thủy điện phải xả đón đầu để giảm bớt cường độ nhưng họ chỉ lo phát điện và “nước đến chân mới xả”, lo vỡ đập nên xả ồ ạt, dân làm sao chịu thấu! Đây là biểu hiện của việc quá xem thường người dân, không quan tâm đến thiệt hại của họ” - ông Phong bức xúc.
“An ninh năng lượng là rất quan trọng nhưng quá trình lập dự án thủy điện cần phải được thực hiện hết sức nghiêm túc và khi đi vào hoạt động thì phải tuân thủ đúng quy trình vận hành xả lũ. Còn nếu vi phạm quy định mà gây tai họa, làm lũ chồng lũ thì thủy điện phải chịu hoàn toàn trách nhiệm theo luật định” – ông Phong nhìn nhận.
T.Dũng |
Bình luận (0)