Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về kết quả của đợt khảo sát cổ vật vừa tiến hành ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam?
- TS Bùi Văn Liêm: Theo kế hoạch hợp tác giữa Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), Bảo tàng Khánh Hòa…, từ ngày 21 đến 29-6, đoàn công tác khảo cổ gồm 10 thành viên thuộc Viện Khảo cổ học, Cục Di sản Văn hóa, Bảo tàng Khánh Hòa, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM đã điều tra, khảo sát ở 4 đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tại Trường Sa Lớn, đoàn đã khảo sát toàn bộ bề mặt đảo và mở một hố thám sát rộng 1 m2. Hiện vật thu được khi khảo sát bề mặt đảo gồm 1 mảnh bát thời Trần, 2 mảnh gốm men trắng vẽ lam thời Lê và nhiều mảnh sành thuộc thế kỷ XVIII-XIX. Cùng với đó, trong hố thám sát thu được 4 mảnh gốm thô thời tiền sử.
Tại đảo Sơn Ca, chúng tôi cũng thu được một số mảnh sành từ thế kỷ XVIII. Trong khi đó, tại đảo Nam Yết, đoàn tìm thấy một mảnh gốm men trắng vẽ lam thời Lê và một số mảnh sành có niên đại từ thế kỷ XVIII.
Năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã giao cho Viện Khảo cổ học triển khai chương trình khảo cổ Trường Sa nhằm thu thập các chứng cứ khoa học phục vụ cho việc khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Kết quả đợt khai quật trước đây và hiện nay có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Trong 3 năm 1993, 1994 và 1995, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Bảo tàng Khánh Hòa và Hải quân vùng IV, vùng V điều tra, khai quật khảo cổ trên các đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết và Song Tử Tây. Năm 1999, Viện Khảo cổ học tiếp tục điều tra và khai quật khảo cổ học trên 7 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, gồm: Sơn Ca, Sinh Tồn, Phan Vinh (Hòn Sập), An Bang, Trường Sa Đông (Đá Đông), Tốc Tan và Đá Tây.
Kết quả của những cuộc khai quật và nghiên cứu khảo cổ học ở Trường Sa là nguồn tư liệu vật thật quan trọng khẳng định sự có mặt rất sớm của người Việt cổ trên các đảo thuộc quần đảo này.
Trên đảo Trường Sa Lớn, các chuyên gia khảo cổ đã phát hiện được những mảnh gốm thô có chất liệu, màu sắc, kỹ thuật chế tác tương tự đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh có niên đại tương đương với văn hóa Đông Sơn ở Bắc Bộ và văn hóa Dốc Chùa ở Nam Bộ. Cùng với gốm thô Sa Huỳnh, trên đảo Trường Sa Lớn và Nam Yết, chúng ta đã phát hiện đồ gốm sứ Việt Nam thuộc 2 giai đoạn, gồm trước thế kỷ XV và sau thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII.
Cũng trên đảo Nam Yết, qua điều tra, chúng ta đã thu được 16 đồng tiền thời Nguyễn, có niên hiệu Minh Mạng và Tự Đức. Sự có mặt của tiền kim loại thời Nguyễn trên đảo Nam Yết rất phù hợp với những ghi chép của Lê Quý Đôn trong Phủ Biên tạp lục, viết năm 1776. Theo Lê Quý Đôn, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã lập những đội Hoàng Sa và Bắc Hải để đến các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn cũng như các đảo ở Hà Tiên để thu hải sản và sản vật của những tàu đắm.
Các chuyên gia đầu ngành cho rằng với những hiện vật thu được trong các hố khai quật ở Trường Sa và các đảo ven bờ cho thấy sự có mặt của người Việt Nam trên các đảo này còn sớm hơn nhiều, ít ra là từ cuối thời Trần.
Với những kết quả thu được này, Viện Khảo cổ học và các nhà khoa học có tính đến việc tiếp tục tiến hành mở rộng quy mô khảo cổ tại các đảo, quần đảo không?
- Chúng tôi đang chỉnh lý để báo cáo các cấp có thẩm quyền và nhận sự chỉ đạo để tiếp tục khảo cổ học ở Trường Sa. Chúng tôi kiến nghị tiếp tục triển khai khảo cổ học dưới nước ở Trường Sa, Hoàng Sa và xây dựng đề án khảo sát bước đầu.
Bình luận (0)