Nhưng con ruồi cũng giúp nhiều người đắc lợi, trở thành công cụ mặc cả, trục lợi, thậm chí hãm hại nhau của nhiều kẻ bất lương. Không phải vô cớ mà vào cùng thời điểm, một doanh nghiệp nào đó bị tấn công dồn dập bằng ruồi, gián, bọ... trong sản phẩm của họ. Cạnh tranh bằng chiêu thức này vốn không lạ gì trên thương trường song phải nói rằng đó một là sự bất nhân không hơn không kém bởi vì doanh nghiệp nào xui rủi dính xì-căng-đan ruồi, gián, bọ... và bị khách hàng ngán ngại là đã khốn khổ lắm rồi, lại còn có ai đó đứng trong bóng tối tiếp tục dìm đối thủ lún sâu vào khủng hoảng bằng những đòn phép ma mãnh thì chính kẻ cơ hội ấy cũng chẳng đáng được người tiêu dùng ủng hộ.
2. Con lợn (heo) là loài quen thuộc với đời sống con người. Sau khi Tổ chức Động vật châu Á kêu gọi chấm dứt lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng, huyện Tiên Du (nay là khu phố Thượng, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh), tỉnh Bắc Ninh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ra khuyến cáo không nên giữ tục lệ này. Quan điểm của bộ là những tập tục không có giá trị phát triển, lại dễ tác động xấu đến tâm lý và hành vi con người - nhất là trẻ em - thì nên bỏ.
Tuy nhiên, dân làng Ném Thượng lại nghĩ khác. Họ nhất quyết bảo lưu tập tục để “giữ gìn bản sắc quê hương” (!). “Lễ hội của làng thì hãy để dân làng quyết định” - các bậc cao niên ở Ném Thượng cả quyết.
Quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi luật và lệ. Thực tế, có những tục lệ cao hơn cả luật, thế nên mới có câu “phép vua thua lệ làng” và thông thường những tục lệ đó trường tồn là nhờ ghi dấu đẹp đẽ trong dòng chảy văn hóa. Còn với những tục lệ có tính chất dã man nhân danh “bảo tồn bản sắc”, cần thiết phải được thay đổi cho phù hợp với sự chuyển lưu của cuộc sống. Tục đấu bò của người Tây Ban Nha có truyền thống 2.000 năm, lẫy lừng thế giới, đem lại nguồn lợi lớn về du lịch, vậy mà nước này đã phải dừng vì quá bạo lực. Vậy thì những lễ hội chém lợn, đâm trâu, chọi trâu đầy máu me, chết chóc ở xứ ta có lý do gì để mãi duy trì?
3. Con người thường có tâm lý hùa theo đám đông. Mà số đông không phải bao giờ cũng đúng. Đã có nhiều vụ kêu gọi tẩy chay sản phẩm của công ty này, doanh nghiệp nọ trong khi bản chất vấn đề chưa được làm rõ, dẫn đến thị trường nhiễu loạn, số đông người tiêu dùng bị thiệt trong khi một số kẻ cơ hội đục nước béo cò.
Ứng xử văn hóa cũng vậy. Người Việt vốn đề cao những giá trị truyền thống. Những giá trị truyền thống thì thuộc về cộng đồng nên thường lấy lý do vì lợi ích số đông để yêu cầu bảo lưu. Ví như lễ hội chém lợn, không ít người cho rằng hủy bỏ nó là làm mất bản sắc của làng Ném Thượng. Nhưng sao không nghĩ đến lợi ích của một cộng đồng lớn hơn, đó là phần còn lại rộng lớn của cả đất nước, của dân tộc này? Cộng đồng dân làng Ném Thượng lớn hơn cộng đồng người Việt sao?!
Bình luận (0)