Cảnh sát leo lên cây để thực nghiệm hiện trường - Ảnh: Thái Bá Dũng
- CSĐT đã dựa trên những căn cứ nào để đi đến kết luận không khởi tố vụ án hình sự?
- Lời khai của hai nhân chứng trực tiếp là chị Điệp và chị Trâm trước và sau có mâu thuẫn, nhất là về khoảng cách. Ví dụ trong lời khai ban đầu chị Điệp nói khoảng cách từ chỗ chị đến cây dừa nơi anh Sơn đứng chỉ có 20m, chị Trâm nói 60m. Tình tiết thứ hai là chị Điệp nói rằng khi gọi anh Sơn thì anh Sơn vào và thấy chó cắn bà Ngắn cũng không đúng thực tế.
Gia đình nạn nhân được luật sư tư vấn pháp lý miễn phí Luật sư Tạ Quang Tòng, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Đắk Lắk, cho biết đã tiếp anh Nguyễn Văn Khôi (con trai bà Phạm Thị Ngắn) tại Câu lạc bộ thông tin và tư vấn pháp lý (Nhà Văn hóa & thông tin Đắk Lắk) để tư vấn miễn phí về pháp lý. Luật sư Tòng cho biết: “Anh Khôi đã đến tìm chúng tôi để xin được tư vấn những bước tiếp theo của vụ việc như gửi đơn đến đâu, như thế nào... Bước đầu chúng tôi đã hướng dẫn anh Khôi làm các thủ tục và làm đơn gửi đến những cơ quan theo đúng luật định”. |
- Thực tế như thế nào, thưa ông?
- Thực tế không đúng như thế. Thực tế mà chúng tôi xác định là khi nghe tiếng kêu, anh Sơn đi vào và nhìn thấy chị Điệp đang ở trên cây, anh Sơn có nói câu: “Ai nhủ vào đây cho cắn?”, lúc đó bà Ngắn đã bị chó kéo đi mười mấy mét và đã chết, cơ thể không còn nguyên vẹn. Tức khi anh Sơn thấy thì bà Ngắn đã chết, chứ không phải như lời khai rằng anh Sơn nói như thế xong rồi bỏ đi cho chó cắn bà Ngắn chết.
Thực tế thứ hai là khoảng cách giữa chị Điệp và chị Trâm đến chỗ anh Sơn đứng như lời khai là không đúng, không phải vài chục mét mà lên đến 248m. Khi tiến hành thực nghiệm hiện trường để xác định khoảng cách thực tế và tầm nghe, từ chỗ cây sầu riêng chị Điệp trèo lên không nhìn thấy người đứng ở gốc dừa vì bị những cây cà phê che phủ, còn từ chỗ cây keo nơi chị Trâm trèo tuy xa hơn nhưng vì trống trải hơn nên nhìn thấy người đứng chỗ cây dừa, song không thấy rõ là ai.
- Thực nghiệm tại hiện trường từ chỗ chị Điệp không nhìn thấy người đứng ở gốc dừa nhưng tiếng kêu cứu thì người đứng ở gốc dừa có nghe thấy không?
- Có nghe nhưng nghe không rõ, chỉ nghe tiếng “anh ơi!”, còn những tiếng sau đó thì không nghe và cũng không biết tiếng kêu phát ra từ đâu.
- Biên bản thực nghiệm hiện trường không có chữ ký của nhân chứng và những người dân có mặt. Lý do từ chối ký vào biên bản được những người này giải thích với báo chí là vì biên bản thực nghiệm không thể hiện đúng thực tế hiện trường, cụ thể họ nghe rất rõ tiếng kêu cứu nhưng biên bản ghi là không nghe. Vấn đề này được đánh giá thế nào?
- Chúng tôi thực nghiệm hiện trường với sự tham gia của nhiều cơ quan chứ không phải riêng cơ quan chúng tôi hay cá nhân cán bộ điều tra làm, mà có sự chứng kiến của đại diện viện kiểm sát, chính quyền địa phương. Kết quả biên bản ghi nhận là khách quan, còn nhân chứng và người dân trình bày thế nào là quyền của họ. Họ có thể nói rằng họ nghe thấy hoặc nhìn thấy, nhưng thực tế người của chúng tôi đưa ra thì không nghe thấy.
Ông Trần Đức Thịnh - Ảnh: T.B.Dũng
- Phóng viên Tuổi Trẻ và các báo có mặt ở buổi thực nghiệm đó cũng như người dân chứng kiến hôm đó nghe tiếng kêu cứu rất rõ, thưa ông?
- Nếu là người có chú tâm thì nghe thấy, chứ bình thường người không biết có sự việc xảy ra và không chú tâm thì không thể nghe thấy. Không có nghĩa có kêu là bắt buộc người ta phải nghe, không thể suy diễn như thế được. Và thực tế hôm đó không phải anh Sơn đứng đó mà anh Phương đứng đó.
- Vậy người đứng ở gốc dừa hôm xảy ra vụ việc CSĐT xác định là ông Phương?
- Là anh Phương, là người cho anh Sơn mượn xe, anh Phương đứng câu cá ở đó. Khi ghi lời khai thì anh Phương nói rằng không nghe tiếng kêu cứu.
- Khi điều tra, CSĐT có cho đối chất giữa hai nhân chứng là chị Điệp và chị Trâm với ông Sơn?
- Không, trong trường hợp này không cần thiết phải đối chất. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch đối chất nhưng khi lấy lời khai của chị Điệp và chị Trâm, cộng với thực nghiệm hiện trường thấy có mâu thuẫn nên chúng tôi không cho đối chất.
- Vì sao ông Sơn không có mặt ở buổi thực nghiệm hiện trường?
- Việc anh Sơn có mặt tại hiện trường là không cần thiết, vì nếu đưa anh Sơn đến đó để thực nghiệm thì mặc nhiên sẽ tạo cho người ta cách hiểu rằng hôm đó anh Sơn đứng ở gốc dừa. Và nếu cho anh Sơn đứng ngay gốc dừa thì có nhắm mắt người ta cũng chỉ ra đó là anh Sơn, vậy thì sao khách quan được. Tâm lý người dân là muốn anh Sơn đứng đó để đối chất, nhưng lúc cao trào như vậy thì làm sao cho anh Sơn đứng đó được. Chúng tôi đã lấy lời khai của những người liên quan để xác định lúc xảy ra vụ việc anh Sơn đã làm gì, đi đâu, lúc mấy giờ, ai nhìn thấy... nên mới kết luận được anh Sơn không nhìn thấy lúc chó cắn bà Ngắn.
- Việc gia đình ông Thành nuôi và chăn thả chó dẫn đến chết người như vậy có phải chịu trách nhiệm hành chính, có vi phạm các quy định hiện hành không?
- Nếu họ nuôi chó mà thả rông ngoài đường, không bịt mõm rồi cắn làm lây bệnh dại, gây thương tích hoặc chết người thì có dấu hiệu phạm tội. Còn ở đây người ta nuôi trong khu vực vườn rẫy nhà người ta và nếu tôi không nhầm thì chưa thấy có văn bản nào quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với việc này.
- Một số luật sư cho rằng dù không cố ý, không mong muốn sự việc xảy ra thì chủ nuôi chó trong trường hợp này vẫn có dấu hiệu phạm tội “vô ý gây chết người”. Quan điểm của CSĐT như thế nào?
- Đó là suy diễn, làm gì có chuyện vô ý làm chết người! Trong việc này không thể nói là vô ý làm chết người được. Chúng tôi xác định hai việc: ở đây không có chuyện cố tình không cứu giúp người trong điều kiện có thể cứu giúp và không có chuyện vô ý làm chết người.
Chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra cấp tỉnh xem xét hồ sơ Chiều 5-3, thượng tá Đoàn Quốc Thư - chánh văn phòng, người phát ngôn của Công an tỉnh Đắk Lắk - cho biết giám đốc công an tỉnh đã chỉ đạo cơ quan CSĐT cấp tỉnh xem xét hồ sơ vụ chó cắn chết người tại xã Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột). Giải thích lý do không có mặt tại Viện KSND TP Buôn Ma Thuột, chị Nguyễn Thị Thanh Trâm cho biết: “Gia đình sợ không an toàn cho em khi đi ra ngoài nên không đồng ý cho đi”. Bà Lê Thị Kim Loan - mẹ chị Trâm - giải thích thêm: “Sau khi xảy ra vụ việc, bây giờ gia đình tôi không dám cho con đi xa như thế, ngộ nhỡ có người thù ghét đón đường làm hại thì sao?”. N.Triều - T.Tân |
Bình luận (0)