Đến với Trường Sa những ngày giáp Tết, điều đọng lại trong chúng tôi nhiều nhất là tiếng cười hồn nhiên, trong trẻo của nhiều cháu nhỏ ở các xã đảo. Những công dân nhí được sinh ra và lớn lên ở Trường Sa đã cho chúng tôi cảm giác như đang ở một xóm chài trên đất liền.
Được cả xóm đặt tên
Chiều cuối năm, bến tàu xã đảo Song Tử Tây chật cứng người dân và bộ đội, đặc biệt trong đó có rất nhiều cháu nhỏ chờ đón đoàn công tác từ đất liền ra thăm. Theo mẹ là chị Trương Thị Liền ra bến tàu, cháu Hồ Song Tất Minh lon ton chạy quanh bờ kè, khuôn mặt ngơ ngác lạ lẫm với những vị khách từ đất liền nhưng lại như muốn làm quen.
Khi thấy chúng tôi chụp hình, cô bé không tỏ vẻ ngại ngùng mà còn làm dáng và cười rất tươi. Chị Liền tự hào cho biết bé Minh là đứa trẻ đầu tiên sinh ra ở Song Tử Tây và có may mắn được cả đảo cùng xúm nhau bàn luận để đặt cho cháu một cái tên có ý nghĩa với hòn đảo yêu dấu. Cuối cùng, một cái tên dài 4 chữ rất đẹp và gắn với đảo Song Tử Tây ra đời – Hồ Song Tất Minh.
Chúng tôi đang lắng nghe những câu chuyện về đảo xa thì tại cầu cảng bất ngờ vang tiếng trẻ nhỏ át cả tiếng sóng biển “có đồ chơi mới chúng mày ơi”, “có đồ chơi mới”... Hóa ra đoàn công tác vừa chuyển tải lên bộ đu quay và thú nhún màu sắc rực rỡ từ bờ gửi ra. Xã đảo vang tiếng cười trẻ nhỏ và niềm vui lan ra cả người lớn.
Công dân nhỏ tuổi nhất Trường Sa Bùi Hoàng Nhã Kỳ (phải) và anh trai Bùi Hoàng Minh Quân
Lang thang xóm đảo Song Tử Tây vào buổi chiều khi đàn ông đã ra biển đánh cá và phụ nữ đi làm thêm, chúng tôi bắt gặp cảnh những đứa trẻ nô đùa bên những chiếc cầu trượt, hòn non bộ, vườn hoa và bộ đu quay mới.
Cháu Phan Thị Thanh Quyền, học sinh lớp 4, dẫn một đám trẻ đang chơi trước sân UBND xã Song Tử Tây, cho biết trẻ nhỏ ở đảo coi nhau như anh em, có món gì ngon hay đồ chơi mới đều chia sẻ. “Hết giờ học ở lớp, chúng cháu lại cùng nhau học ở nhà, đứa nào cũng là học sinh tiên tiến và giỏi chú à” – Quyền tự hào khoe.
Đảo có điện 24/24 giờ nên trẻ em nơi đây có thêm phương tiện để giải trí. Ghé thăm nhà anh Huỳnh Viên, chúng tôi gặp cháu Huỳnh Nhật Quang đang loay hoay xếp lại chồng đĩa phim hoạt hình của dì từ đất liền gửi tặng.
Thấy chúng tôi, Quang liền khoe: “Con thích xem phim hoạt hình lắm, có nhiều đĩa mới nhưng xem riết cũng hết. Con chỉ mong dì và các cậu lại gửi thêm ra nhiều phim mới để xem”.
Khỏe như ngư phủ
Rời Song Tử Tây, chúng tôi thẳng hướng xã đảo Sinh Tồn. Tại xóm đảo này, chúng tôi đã được gặp cháu Bùi Hoàng Nhã Kỳ (15 tháng tuổi, nhỏ nhất Trường Sa), con chị Trần Thị Nữ và anh Bùi Đình Khải.
Vóc dáng nhỏ bé vì sinh thiếu tháng nhưng Kỳ lại cứng cáp và nhanh thoăn thoắt. Anh của Kỳ là Bùi Hoàng Minh Quân có chiếc ô tô nhựa mới cóng, quà vừa từ đất liền gửi ra, được đám bạn quây vòng trong, vòng ngoài.
Khi chúng tôi hỏi chuyện các cháu sống ở đảo có vui không, ngay lập tức cả đám trẻ nhao nhao tranh nhau trả lời: “Chúng cháu vui lắm”, “Chúng cháu rất vui ạ”... “Ở đây ai cũng thân nhau. Chúng cháu lại có nhiều đồ chơi và được thầy cô cùng các chú bộ đội yêu quý” – Quân nói.
Các công dân nhí ở xã đảo Sinh Tồn
Những đứa trẻ mà chúng tôi tiếp xúc đều rất rắn rỏi, khỏe mạnh, nhanh nhẹn và nước da đen bóng. Có lẽ sóng, gió nơi đảo xa đã đào luyện những công dân nhí này từ khi chào đời.
Chị Trần Thị Nữ cho biết rất hiếm khi các cháu bị ốm vặt. “Cháu Kỳ sinh thiếu tháng nhưng chẳng mấy khi ốm” – chị Nữ nói. Theo người dân trên đảo, các bệnh trẻ con thường gặp như viêm họng, viêm phổi... dường như đã bị cách ly khỏi vùng đất “tiên” - cách người dân trên đảo ví von cho không khí trong lành nơi đây.
Mới học lớp 4 nhưng Trần Thị Thu Hiền (con anh Trần Văn Thành và chị Phan Thị Tám) đã cao gần 1,5 m và rất xinh xắn. Hiền tâm sự: “Cháu mong muốn sau này trở thành bộ đội. Cháu cũng muốn lớn lên làm việc ở đảo vì ở đây có những người bạn, người thầy mà cháu yêu mến”. Ánh mắt hồn nhiên và ước mơ của bé Hiền làm chúng tôi xúc động, cảm phục và vững tin hơn khi tàu rời đảo xa để trở về đất liền.
Muốn có thêm nhiều giống cây trái
Chị Trần Thị Nữ cho biết ở đảo không khi nào thiếu lương thực, thực phẩm và cần thêm gì thì gọi điện thoại vào đất liền gửi ra, từ sữa đến bánh, kẹo, hoa quả...
Tuy nhiên, do ở xa đất liền nên nhiều lúc thiếu hoa, quả tươi và sữa cho trẻ em. Để có thêm hoa, quả tươi, các hộ dân và bộ đội trên đảo đã đưa ra nhiều giống cây và đang nghiên cứu trồng thử các loại cây phù hợp.
Chị Nữ và nhiều người dân trên đảo mong muốn ngành nông nghiệp sớm lai tạo thêm nhiều giống cây phù hợp với nắng, gió biển khơi để đảo ngày một xanh và trẻ nhỏ có thêm đồ ăn bổ dưỡng. |
Bình luận (0)