Hưởng ứng chương trình thanh niên tình nguyện đến biên giới, hải đảo do Tỉnh đoàn tỉnh Khánh Hòa phát động, đã có nhiều thanh niên tình nguyện đến với huyện đảo Trường Sa làm công việc “gõ đầu trẻ”.
Với mong muốn góp một phần sức trẻ giúp đỡ những người dân đang sinh sống tại đảo xa, chàng trai Trương Sứ Long (quê huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) tình nguyện ra xã đảo Song Tử Tây - cực Bắc của quần đảo Trường Sa - làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã kiêm thêm nghề giáo viên. Vào lớp học do thầy Long chủ nhiệm, chúng tôi có cảm giác gần gũi, thân quen như đang ở đất liền.
Thầy Long chia sẻ: “Ra đảo công tác, tôi không nghĩ mình sẽ trở thành giáo viên. Khi tới đảo, thấy nơi đây thiếu giáo viên nên tôi tình nguyện kiêm thêm nghề “gõ đầu trẻ”. Làm riết rồi cũng quen, giờ tôi thấy mình có ích cho xã hội, nhất là cho con em nơi đảo xa”.
Cùng suy nghĩ như thầy Long, thầy Cao Văn Giáp, phụ trách lớp 3 và 4 ở xã đảo Sinh Tồn, bộc bạch: “Do học ngành khác nên chuyên môn sư phạm của tôi còn hạn chế. Tôi phải gần gũi với học trò để nắm bắt tính cách, tâm lý nhằm truyền thụ kiến thức được dễ hiểu và thuận lợi hơn”.
Sự nỗ lực của những giáo viên tình nguyện ở huyện đảo Trường Sa đã không uổng công khi 100% học sinh đều khá và giỏi. Điển hình là trường hợp em Lê Thị Tường Quyên, học sinh lớp 3 ở đảo Sinh Tồn. Khi ở đất liền, Quyên là học sinh yếu nhưng khi ra đảo được kèm cặp một thầy, một trò, em đã có tiến bộ vượt bậc. Trở lại đất liền theo học tiếp lớp 5, Quyên đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Thầy Giáp tâm sự: “Niềm vui ngoài sức tưởng tượng là hầu hết các em khi rời đảo về đất liền vẫn theo kịp các bạn ở các môn học chính là toán, tiếng Việt. Đặc biệt, em Hồ Văn Hậu, lớp 5, khi về đất liền còn đạt học sinh giỏi”.
Khi được hỏi về nguyện vọng để đời sống cá nhân và gia đình được cải thiện hơn, thầy Ân không mong gì cho mình mà chỉ đề nghị ngành GD-ĐT và những nhà hảo tâm giúp đỡ mua sắm thêm nhiều mô hình học tập, giáo cụ trực quan để học sinh dễ tiếp nhận kiến thức hơn. Bên cạnh đó, cần có thêm nhiều truyện tranh để bồi dưỡng kiến thức và bồi đắp trí tưởng tượng cho các em học sinh. Thầy Ân bộc bạch: “Tôi và một số đồng nghiệp rất mong được dự các lớp tập huấn kiến thức, cập nhật chương trình giảng dạy mới”.
Trong bữa cơm chia tay chúng tôi, các thầy Kim Thanh Hoa, Hồ Bảo Ân, Cao Văn Giáp, Mai Thành Tiến... ở đảo Sinh Tồn cho biết khi mới ra trường, họ vẫn còn nhiều điều bỡ ngỡ nhưng ở đảo nhiều năm, tất cả đã trở nên cứng cáp và có thêm kinh nghiệm sống. Thầy Giáp còn khoe từ chỗ không biết bơi, nay anh đã thành một ngư dân “chính hiệu”, cùng tham gia đi biển đánh cá với bà con xã đảo. “Tôi thấy mình đã sáng suốt khi tình nguyện ra Trường Sa. Tôi sẽ cố gắng làm đúng theo lời Bác Hồ dạy “Đâu cần thanh niên có. Đâu khó có thanh niên” - thầy Giáp khẳng định.
Giữ “lửa ấm” xóm đảo
Thầy giáo Cao Văn Giáp nhiệt tình, hăng say trên bục giảng là vậy nhưng khi chia sẻ với chúng tôi về những đóng góp của mình thì lại rất khiêm tốn. Thầy Giáp nói: “Chúng tôi như 3 trong 1, ngoài việc làm thầy, còn là cán bộ xã và là “chị Thanh Tâm”.
Ngoài giờ lên lớp và bảo đảm công việc của xã, bồi đắp thêm mối quan hệ khăng khít quân dân, thầy Giáp và các đồng nghiệp còn làm công tác hòa giải đối với những mâu thuẫn nhỏ giữa các hộ dân hay chuyện “xô bát, đụng đũa” ở mỗi mái ấm thi thoảng vẫn xảy ra. Thầy giáo, phụ huynh và học sinh ngoài đảo xa đã coi nhau như người thân trong nhà, cùng chia sẻ buồn, vui và tăng gia sản xuất. Chị Phan Thị Kim Anh, một hộ dân ở đảo Sinh Tồn, cho biết nhờ có các thầy mà người dân biết được nhiều điều, các cháu được học chữ và giữ được “lửa ấm” nơi xóm đảo. |
Kỳ tới: Công dân nhí ở Trường Sa
Bình luận (0)