Chị L.T.T (30 tuổi; ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) tố cáo mình mất gần 10 triệu đồng vì tin lời của người thuộc công ty N. (đường GS1, khu Đầu Tư DV - TM Quảng trường xanh; phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Tiền mất, việc chẳng có
Theo đơn tố cáo của chị T., đầu tháng 12-2016, chị lên mạng tìm việc làm thì thấy công ty trên tuyển dụng nhân viên văn phòng nên nộp hồ sơ và được mời phỏng vấn.
Vừa đến công ty này, chị T. được phát một tập giới thiệu về lịch sử công ty và nhân viên nơi đây còn cho biết công ty là “con” của một tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực phân phối, sửa chữa trang thiết bị nội ngoại thất và phát triển bất động sản hàng đầu.
Sau đó, một người tên Ngân, tự xưng là “giám đốc nhân sự” của công ty, đã hứa hẹn sẽ bố trí chị T. làm quản lý nhân sự. Tuy nhiên, để đáp ứng được công việc, bà Ngân yêu cầu chị T. phải có chứng chỉ về quản lý nhân sự. “Bà Ngân nói chứng chỉ này học ở trung tâm nào cũng được nhưng công ty có mở khóa học cho nhân viên của mình với học phí gần 10 triệu đồng, thời gian 2 tháng 15 ngày tại một tòa nhà thuộc phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương” - chị T. kể. Cảm thấy lời bà Ngân nói thuyết phục, chị T. đã đóng tiền tham gia khóa học này.
Anh V.Đ.G (quê Nghệ An) là nhân viên bán bảo hiểm. Do muốn tìm một công việc khác gần chỗ trọ (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) nên tháng 12- 2016, anh đến công ty N. Sau khi phỏng vấn, bà Ngân yêu cầu tham gia khóa học “kỹ năng giao tiếp” để có thể đáp ứng công việc nhân viên hành chính nhân sự, tư vấn khách hàng. Do rất cần việc mới, anh G. đã vay người thân hơn 4 triệu đồng để tham gia khóa học này. Tuy nhiên, khi anh G. học được 10 ngày thì công ty cho biết có một vị trí “quản lý nhân sự” nhưng muốn làm thì phải có chứng chỉ về quản lý nhân sự. “Một người của công ty nói tôi phải đi học khóa “kỹ năng giao tiếp” với chi phí gần 10 triệu đồng” - anh G. trình bày.
Ngoài ra, còn có các chị C.T.Đ, Đ.T.B cũng bị công ty này thuyết phục tham gia những khóa học trên nếu muốn là nhân viên chính thức. Sau khi biết lịch sử làm việc, kinh nghiệm của các ứng viên đi phỏng vấn, công ty đưa ra các khóa học khác nhau, yêu cầu người xin việc phải có chứng chỉ của các kỹ năng như “quản lý nhân sự”, “giao tiếp”, “quản lý cao cấp”... Tuy nhiên, khi các ứng viên đóng tiền học thì công ty không đưa hóa đơn với lý do “giữ lại làm bằng khi kết thúc khóa học”.
Học được khoảng một tuần, chị T. cảm thấy lạ vì trong lớp, các học viên phải ngồi mỗi người một bàn, không được nói chuyện, hết giờ không được tụ tập thành nhóm tại địa điểm giảng dạy. Lúc có cơ hội nói chuyện với các học viên khác, chị T. tá hỏa khi biết không chỉ riêng mình được bà Ngân “nhắm” trở thành nhân viên “quản lý nhân sự” mà có rất nhiều người khác cũng đang tham gia khóa học để có được vị trí duy nhất này. Còn anh G. khi học được một tuần mới biết công việc thật sự phải làm sau khi được đào tạo là viết bài, tạo email đăng tuyển người lao động trên những trang mạng chứ không phải là “quản lý nhân sự”. Nhận thấy nếu học xong khóa này cũng sẽ như một số học viên, trở thành người “đăng tin lừa người khác” nên chị T. và anh G. đã quyết định nghỉ.
Đổi tên liên tục
Chúng tôi tìm đến địa chỉ công ty N. thì biển hiệu đã thay bằng Công ty TNHH Đầu tư phát triển HaBiTat, gọi vào số điện thoại của công ty N. đăng trên mạng nhưng không ai bắt máy. Tra cứu trên mạng, chúng tôi phát hiện Công ty TNHH Đầu tư phát triển HaBiTat cũng đang rao tuyển nhân sự với kiểu cách giống công ty N.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết công ty N. đã giải thể, đổi sang tên mới là Công ty TNHH Đầu tư phát triển HaBiTat. Cả 2 công ty này đều có chung trụ sở, mã số thuế. Hiện Công ty TNHH Đầu tư phát triển HaBiTat do bà Lê Thị Hằng đứng tên đại diện theo pháp luật.
Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, cơ quan này sẽ lập đoàn kiểm tra nhằm nắm tình hình tuyển dụng lao động cũng như vấn đề liên quan của Công ty TNHH Đầu tư phát triển HaBiTat. “Vài năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có rất nhiều người đi xin việc bị lừa tiền. Từ khi hiện tượng này xuất hiện, tỉnh Bình Dương đã lập đoàn liên ngành để kiểm tra một công ty chuyên lừa tiền người xin việc. Chúng tôi kiểm tra xong chưa kịp ra quyết định xử phạt thì công ty này đã giải thể và lập công ty khác với người đại diện mới” - ông Tuyên nói. Ông Tuyên cho biết những công ty này lừa đảo một cách rất tinh vi, lừa người xin việc ký tên vào biên bản tự nguyện nộp tiền để được đào tạo kỹ năng. Vì vậy, cơ quan công an cũng khó có căn cứ xử lý hành vi lừa đảo. “Người dân muốn xin việc làm nên đến các trung giới thiệu việc làm uy tín, đừng vội tin những mẩu rao tuyển không cần bằng cấp cao nhưng lại có mức lương hấp dẫn đang xuất hiện tràn lan trên mạng. Đi xin việc mà bị thu phí, thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào thì phải cảnh giác và thông tin ngay cho cơ quan chức năng” - ông Tuyên khuyến cáo.
Núp bóng tập đoàn
Sau khi bỏ học, chị T. gọi điện đến tập đoàn mà đại diện công ty N. khẳng định là công ty mẹ thì được đại diện nơi đây khẳng định tập đoàn này không hề có chi nhánh nào ở tỉnh Bình Dương và rất nhiều người đã gọi đến đây hỏi thông tin. “Chúng tôi tìm đến báo chí chỉ mong giúp người lao động cảnh giác, không bị vướng vào những trò lừa bịp” - chị T. chia sẻ.
Bình luận (0)