Ngày 29-6, Đoàn Đại biểu (ĐB) Quốc hội TP HCM gồm các đại biểu Nguyễn Văn Chương, Phan Nguyễn Như Khuê, Nguyễn Đức Sáu, Trần Kim Yến đã tiếp xúc cử tri quận Tân Bình. Tại đây, có 13 ý kiến phát biểu của cử tri thì 11 ý kiến bàn về sự tồn tại của sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Nhập vai tìm chứng cứ
Theo tìm hiểu, sau khi nhận thư mời tham gia tiếp xúc cử tri trước đó hơn một tuần, ông Lê Văn Sang đã mua quần áo cũ để hóa trang thành xe ôm, người xin việc nhằm tìm cách đột nhập sân golf để thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, để vào trong đó, ông thường xuyên bị bảo vệ sân golf ngăn cản, đuổi ra ngoài. Dù khó khăn nhưng ông cũng đã ghi nhận được hàng chục căn biệt thự trong khuôn viên sân golf. Còn những khu đất của Bộ Quốc phòng bên cạnh những tấm bảng ghi "Cấm tụ tập, chụp hình" nhưng kế bên là quán nhậu, sân tennis.
Cử tri Lê Văn Sang thức dậy từ sớm để chuẩn bị tài liệu phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Tân Bình, TP HCM
Mở đầu, buổi làm việc, ông Sang thông tin ông đã vẽ đầy đủ sơ đồ hiển thị các công trình quán nhậu, khu vui chơi chiếm đất sân bay Tân Sơn Nhất. Sáng 29-6, ông đã phải dậy sớm chuẩn bị tài liệu cung cấp cho đoàn đại biểu.
Trong lúc trình bày có lúc ông Sang nấc nghẹn khiến hội trường lặng im. Ông Sang nói: "7 năm ròng rã với hàng ngàn lá đơn do tôi và các quân nhân gửi đến các cơ quan, ban - ngành để "giải cứu" sân bay. Lợi ích quốc gia là trên hết, mấy lần Quốc hội họp vẫn không giải quyết được. Từ đây đến lúc chết, tôi vẫn tiếp tục nói lên tiếng nói bức xúc của nhân dân".
Cử tri Phan Tương, 92 tuổi, cho biết ông nguyên là Giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất nhưng muốn vào sân golf và bên hông sân bay để nắm bắt tình hình thì bị cản trở. "Kỳ lạ thật, sân golf gì mà có lính canh, an ninh nghiêm ngặt. Chỉ có hoạt động mờ ám, sai trái mới sợ người khác vào giám sát như vậy" - ông Tương bức xúc. Ông Tương đặt câu hỏi cho toàn bộ những người có mặt tại hội trường: "Có cán bộ nào xấu hổ khi thấy máy bay vòng vòng trên bầu trời, dưới đất thì kẹt xe, mưa xuống thì ngập sân bay không? Nếu để tình trạng này kéo dài, chắc chắn sẽ xảy ra chuyện. Lúc đó, mất bò rồi mới lo làm chuồng".
Nếu Chính phủ đồng ý mở rộng sân bay thì không cho Bộ GTVT tham gia xây dựng mà cho chính sân bay Tân Sơn Nhất tự làm vì ở đây có một tổ chuyên gia đầy kinh nghiệm và hiểu được các công trình nào nên xây dựng.
Trong khi đó, cử tri Đỗ Văn Sũng cho biết những giải pháp đưa ra nhằm giảm tải sân bay Tân Sơn Nhất thời gian qua là đánh lừa dư luận, khi làm mà chẳng hiệu quả. Theo ông, trước kia sân bay có đến 8 cổng ra vào nhưng hiện nay đã được quân đội sử dụng 7 cổng. "Quá tải thì quân đội phải giao đất mở thêm ga đậu máy bay, nhà chờ ở đường Quang Trung gần sân golf và đường Trường Chinh" - ông Sũng nói.
Thuê chuyên gia độc lập phản biện
Kết thúc buổi tiếp xúc, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP HCM, hứa sẽ truyền tải những bức xúc của cử tri TP đến nghị trường.
Ông Khuê thông tin trong thời gian tới, Bộ Chính trị sẽ có những ý kiến về sự tồn tại của sân golf Tân Sơn Nhất. Đất quốc phòng tại TP HCM cũng đang trong quá trình thanh tra, tất cả các công trình ở sân golf Tân Sơn Nhất hiện đã dừng thi công. "Những gì cử tri ở đây bức xúc hiện đã được các đơn vị trung ương giải quyết. TP HCM cũng đã đề nghị Quốc hội thành lập đoàn giám sát cấp cao về quỹ đất quốc phòng ở khu vực sân bay cũng như vai trò khai thác hoạt động ở đây" - ông Khuê nói
Theo ông Khuê, khi ông Nguyễn Thiện Nhân về nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy TP HCM, Đoàn ĐB Quốc hội TP đã trình bày ngay nỗi bức xúc của cử tri TP và bí thư đã tổ chức gặp mặt nhiều chuyên gia, nhà khoa học và đặt hàng những giải pháp mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Dự kiến, khi đơn vị tư vấn nước ngoài có kết luận về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo hướng Nam và hướng Bắc, chính quyền TP HCM sẽ lấy những ý kiến từ các nhà khoa học, xem xét góc độ khoa học để tổ chức buổi phản biện với đề xuất của chuyên gia nước ngoài nhằm có phương án tốt nhất.
Lãnh đạo quận Tân Phú trần tình
Chiều cùng ngày, Đoàn ĐB Quốc hội TP HCM đã có buổi làm việc với cử tri quận Tân Phú, TP HCM. Tại đây, cử tri Vũ Anh Tuấn, ngụ phường Hiệp Tân, cho biết có đọc báo thấy thông tin nhiều cán bộ lãnh đạo quận Tân Phú nhiệm kỳ 2010-2015 bị kỷ luật vì liên quan đến sai phạm ở Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng. Ông Tuấn đặt vấn đề: "Tham ô đến 54 tỉ đồng nhưng tại sao chỉ xử lý ở mức khiển trách đối với 3 lãnh đạo UBND quận? Cần phải nói rõ hình thức xử lý là gì? Làm sao để thu hồi số tiền thất thoát?".
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, cho biết hiện lãnh đạo quận chỉ mới tiếp nhận vụ việc qua phản ánh báo chí, chưa nhận được văn bản chính thức từ Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM. Tuy nhiên, qua nắm bắt vụ việc, ông Thái thông tin sở dĩ việc xử lý các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo quận ở mức kỷ luật là bởi không liên quan đến tiền tham ô, chỉ sai ở công tác bổ nhiệm cán bộ, thiếu giám sát cấp dưới.
Bình luận (0)