Sáng 28-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ của QH Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.
Luật còn nhiều điểm sơ hở
Góp ý dự thảo luật, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) thẳng thắn chỉ rõ dự luật còn nhiều điểm sơ hở, “bỏ quên” cơ sở pháp lý bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên một số cấu trúc vật chất ở ngoài biển.
ĐB Nghĩa phân tích: Trong lãnh hải, thềm lục địa và đặc vùng kinh tế Việt Nam có 3 loại cấu trúc theo Công ước về Luật Biển. Riêng điều 13 Công ước về Luật Biển có đề cập bãi cạn nửa chìm nửa nổi. Đặc điểm của những bãi này là nước lớn bị lấp, nước ròng nổi lên. Bãi nửa chìm nửa nổi không có hải lý, không có lãnh hải nhưng nếu nước lớn mà nó vẫn nổi thì sẽ biến thành bãi đá có 12 hải lý.
“Trung Quốc lợi dụng điều này để biến bãi cạn thành bãi đá bằng cách xây dựng những cấu trúc làm bãi cạn vẫn nổi dù nước lớn hay nước ròng; qua đó thực hiện mưu đồ xâm phạm, xây dựng hàng loạt công trình trái phép ở biển Đông thời gian qua” - ĐB Nghĩa lo ngại.
Theo ông Nghĩa, nếu Luật Biển Việt Nam chưa nhắc đến các cấu trúc này thì dự luật phải bổ sung ngay. “Trong lịch sử đã có tranh chấp đổ máu về vấn đề này. Nhiều chiến sĩ chúng ta đã ngã xuống. Nếu giờ mình không nhắc đến, đưa vào thì khi người ta đến khai thác, sẽ không có cơ sở để phản bác” - ông Nghĩa cảnh báo.
Đồng tình với luận điểm của ông Nghĩa, ĐB Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) dẫn chứng thêm: Bao quanh quần đảo Trường Sa có 5 nước, 6 bên tranh chấp. Brunei không có đảo chìm, đảo nổi nào ở Trường Sa nhưng họ nhận một bãi đá ngầm rồi khẳng định chủ quyền. “Do đó, ban soạn thảo phải cân nhắc để luật củng cố cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ chủ quyền biển đảo” - ĐB Nhiêu đề xuất.
ĐB Lê Việt Trường (An Giang) cho rằng khi đưa các khái niệm về bãi đá, bãi ngầm, bãi san hô… vào trong luật chính là kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển đảo. “Ở Trường Sa, ngoài phần đảo nổi còn có rất nhiều bãi nửa chìm nửa nổi, bãi đá, bãi san hô. Việc chúng ta quy định vào trong luật này hoàn toàn phù hợp, không mâu thuẫn gì với Công ước của Liên Hiệp Quốc, Luật Biển năm 1982. Chỉ có luật hóa, chúng ta mới có cơ sở đấu tranh với các hành vi gây hại đến tài nguyên và môi trường biển, hải đảo thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam” - ông Trường đúc kết.
Kiến nghị lập Bộ Kinh tế biển
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho biết Việt Nam có trên 3.200 km bờ biển với nhiều tiềm năng khoáng sản, chưa kể tiềm năng ở vùng đặc quyền thềm lục địa. Điều này cho thấy ban hành Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo là cần thiết.
Theo bà An, thời gian qua, việc quản lý biển và hải đảo bị chia cắt, còn chồng chéo, quy hoạch và đánh giá tiềm năng chưa hiệu quả. “Hiện nay, kinh tế biển đóng góp 50% GDP cả nước. Để khai thác hiệu quả ngành này, nhà nước phải chịu trách nhiệm quy hoạch tổng thể biển, hải đảo, sau đó phân cho các chuyên ngành làm quy hoạch chuyên ngành. Đồng thời, cần thành lập Bộ Kinh tế biển và Chính phủ giao cho một phó thủ tướng phụ trách về hoạt động kinh tế biển” - bà kiến nghị.
Nhiều đại biểu còn đề nghị bổ sung hệ thống thông tin, quy hoạch, cơ sở dữ liệu…, tiến tới công bố, tạo cơ chế để tổ chức, cá nhân tiếp cận thông tin rõ ràng về tài nguyên biển. ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP HCM) nêu thực tế hiện nay, vai trò của người dân, doanh nghiệp tham gia bảo vệ còn mờ nhạt, phân cấp quản lý cho địa phương còn chưa cụ thể. Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư được cấp phép, sử dụng bờ biển ảnh hưởng đến quyền tiếp cận biển của người dân. Do đó, theo ĐB Trang, cần quy định bảo đảm nguyên tắc được tiếp cận biển của cộng đồng.
Cần siết lại kỷ cương ngân sách
Chiều cùng ngày, các ĐBQH tiếp tục cho ý kiến về báo cáo quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2013 của Chính phủ. Theo ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), thu ngân sách năm 2013 tuy tăng 12.348 tỉ đồng nhưng hụt thu cao. Đáng chú ý, ngân sách trung ương hụt thu so với dự toán 21.560 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng thất thu thuế, phí, lệ phí. Việc doanh nghiệp gian lận hạch toán, kê khai thuế, tình trạng chuyển giá cũng gây thất thu ngân sách. Trong khi đó, bội chi ngân sách vượt rất xa so với Nghị quyết của QH. Cụ thể, bội chi mà Nghị quyết của QH đề ra là 4,8% GDP, sau được QH điều chỉnh 5,3% GDP nhưng thực tế lên tới 6,6% GDP... ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng cần phải lập lại kỷ cương ngân sách, nếu không thì chúng ta tiếp tục tình trạng chi tiêu không có trật tự gì cả.
N.Quyết
Đừng làm mất ý nghĩa Luật Trưng cầu ý dân
Thẩm tra dự thảo Luật Trưng cầu ý dân vào sáng 28-5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý tán thành sự cần thiết ban hành luật này nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia các công việc của nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.
Về quy định tỉ lệ tham gia và tán thành của cử tri quá 2/3 đối với một vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân như dự luật đề xuất, ông Lý cho rằng như vậy là quá cao, không khả thi. Thậm chí, nếu tổ chức không tốt có thể dẫn đến tình trạng thúc ép cử tri đi bỏ phiếu hoặc cử tri đi bầu hộ, bầu thay. Như vậy, sẽ làm giảm ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân - một hình thức để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của mình.
Chiều cùng ngày, QH đã nghe Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình trình bày tờ trình dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). Các thành viên Ủy ban Tư pháp của QH đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại các quy định của dự thảo luật này để quy định cho phù hợp địa vị pháp lý của VKSND trong tố tụng hành chính.
P.Anh - N.Quyết
Bình luận (0)