Sau những luồng ý kiến trái chiều, GrabTaxi đã chính thức được Chính phủ cho phép triển khai thí điểm ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” (GrabCar). Từ tháng 10-2015, GrabTaxi đã triển khai thí điểm tại 5 tỉnh - thành, gồm: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa trong 2 năm.
Theo chân GrabTaxi, Uber cũng muốn nhảy vào thị trường khi trình lên Bộ Giao thông Vận tải đề án thí điểm gọi xe theo hợp đồng điện tử. Tuy đề án này đã bị trả lại do chưa đáp ứng nhiều điều kiện theo pháp luật Việt Nam song không loại trừ khả năng Uber sẽ tiếp tục trình đề án mới để tham gia vào thị trường vận tải Việt Nam vốn giàu tiềm năng.
Viễn cảnh GrabTaxi và Uber được danh chính ngôn thuận hoạt động đã khiến các hãng taxi trong nước như ngồi trên lửa. Hết các hiệp hội taxi đến các hiệp hội vận tải tại 2 TP lớn nhất nước là TP HCM, Hà Nội liên tục có văn bản gửi các cơ quan quản lý nhà nước đòi “cấm cửa” cả Uber lẫn GrabTaxi. Theo các hiệp hội đại diện cho quyền lợi của các hãng taxi này, đây thực chất là một loại hình kinh doanh taxi trá hình chứ không phải cung cấp phần mềm ứng dụng để kết nối giữa khách hàng với người kinh doanh taxi.
Dịch vụ mà Uber và GrabTaxi đang triển khai còn mới mẻ về cả thực tiễn lẫn luật pháp nên gây nhiều tranh cãi không chỉ ở nước ta mà còn trên thế giới. Vì thế, còn rất nhiều vấn đề cần làm rõ để bảo đảm quyền lợi, sự an toàn của người tiêu dùng; việc quản lý và tránh thất thu thuế của nhà nước, nhất là tạo ra môi trường cạnh tranh dịch vụ vận tải công bằng.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề có tính nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong hoạt động sản xuất - kinh doanh là người dân và doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Trong khi đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch vụ kết nối vận tải không thuộc lĩnh vực cấm kinh doanh hay là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bởi thế, việc cho thí điểm GrabTaxi và cả Uber nếu đáp ứng các điều kiện luật pháp của nước ta là cần thiết nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn.
Giá cước taxi trong nước hiện vẫn còn cao so mới mức thu nhập của người dân. Các hiệp hội đại diện cho các hãng taxi trong nước thay vì cứ khăng khăng yêu cầu cấm cửa GrabTaxi và Uber thì hãy nhìn thẳng vào thực tế, chấp nhận đối đầu khi sự cạnh tranh mới xuất hiện. Không ai cấm các hãng taxi truyền thống đổi mới để cung ứng dịch vụ và giá cả cạnh tranh hơn cho người tiêu dùng. Cuộc chiến cước taxi diễn ra trong khuôn khổ luật pháp, công bằng và lành mạnh sẽ có lợi cho người dân.
Bình luận (0)