Ngày 3-4, Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TP Đà Nẵng đã phối hợp với Văn phòng Thành ủy TP Đà Nẵng cùng Phòng Văn hóa - Thông tin quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn kiểm tra các biển quảng cáo trái quy định ở những tuyến đường ven biển. Việc kiểm tra này xuất phát từ chỉ đạo của ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng, tại hội nghị Thành ủy TP Đà Nẵng mở rộng lần thứ 15 sau khi nhiều đại biểu bức xúc về việc TP xuất hiện ngày càng nhiều “phố Trung Quốc”.
Quên luôn tiếng mẹ đẻ!
Dọc các tuyến đường nằm sát bờ biển ở 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn như Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Văn Thoại… có rất nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống, hàng lưu niệm, khách sạn… Điều đáng nói là khi bước vào đây, bất cứ ai cũng “choáng” khi đập vào mắt là các biển hiệu quảng cáo đều bằng tiếng Hoa.
Tại nhà hàng Hưng Phát (đường Nguyễn Văn Thoại, quận Sơn Trà), đoàn kiểm tra đã phát hiện hàng loạt biển hiệu quảng cáo các loại hải sản bằng tiếng Hoa, hoàn toàn không có tiếng Việt đi kèm. Sau khi làm việc, đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ nhà hàng tháo dỡ ngay các biển hiệu trên.
Hàng chục cơ sở kinh doanh khác nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Hồ Xuân Hương cũng treo toàn biển quảng cáo bằng tiếng Hoa. Thậm chí, trên đường Trường Sa, cơ sở của Công ty Trung Dũng đang xây dựng cũng gắn biển quảng cáo tiếng Hoa ở góc và nóc tòa nhà.
Theo trào lưu, mù luật
Đến chiều cùng ngày, đoàn đã phát hiện 13/35 cơ sở gắn biển quảng cáo sai quy định. Phần lớn các cơ sở này đều đặt biển hiệu quảng cáo có chữ viết tiếng nước ngoài lớn hơn 3/4 chữ tiếng Việt, chữ tiếng nước ngoài nằm trên chữ tiếng Việt.
Trao đổi với phóng viên, một chủ nhà hàng thừa nhận việc gắn biển hiệu quảng cáo tiếng Hoa là do trào lưu. “Hiện nay, người Trung Quốc đến đây du lịch nhiều. Thấy các cơ sở bên cạnh cũng gắn biển hiệu tiếng Hoa hoành tráng nên chúng tôi cũng nghĩ làm biển quảng cáo như vậy để thu hút khách. Ai dè việc đó sai luật” - chủ nhà hàng phân trần.
Ông Lê Hoàng Đức, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, cho biết tình trạng các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn ven biển lắp biển quảng cáo tiếng Hoa sai quy định chỉ mới rộ lên. Do các cơ sở vi phạm nằm ngoài đường lớn, vượt quá thẩm quyền nên quận chưa thể xử lý.
Còn theo ông Lê Tấn Hùng, Phó Chánh Thanh tra Sở VH-TT-DL TP Đà Nẵng, những trường hợp vi phạm phần lớn đều không nắm rõ Luật Quảng cáo. Ông Hùng cho biết trong thời gian tới, thanh tra sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên tục kiểm tra và xử lý dứt điểm những vi phạm trên. Ngoài ra, sở sẽ tăng cường phối hợp quản lý với địa phương, không để phát sinh những vi phạm tương tự. “Cần thiết sở sẽ phối hợp với công an để làm việc với các chủ cơ sở kinh doanh gắn biển sai quy định” - ông Hùng khẳng định.
Thanh tra Sở VH-TT-DL TP Đà Nẵng cũng nhận định tình trạng trên xuất phát từ nguyên nhân khách quan là khách du lịch Trung Quốc đến Đà Nẵng ngày càng đông dẫn đến việc đặt biển hiệu sai quy định nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong kinh doanh.
Điều 34 Luật Quảng cáo quy định tên biển hiệu phải có nội dung như sau: Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có); tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; địa chỉ, điện thoại. Trong trường hợp sử dụng tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một biển hiệu thì khổ chữ nước ngoài không được quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.
Bình luận (0)