Sáng 20-1, sau khi đặt hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tại Đài Tưởng niệm các anh hùng - liệt sĩ, 1.510 đại biểu (ĐB) dự Đại hội ĐB toàn quốc lần thứ XII (Đại hội XII) đã họp phiên trù bị tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội).
Thông qua quy chế bầu cử
Tại phiên họp, các ĐB đã thông qua quy chế làm việc của đại hội; bầu đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, Ban Thẩm tra tư cách ĐB; thông qua chương trình làm việc của đại hội, quy chế bầu cử tại Đại hội XII, báo cáo thẩm tra tư cách ĐB.
Theo đó, đoàn chủ tịch 17 người gồm: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Chỉ đạo Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Ngô Văn Dụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa và Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết. Bà Hà Thị Khiết là người duy nhất có 8 lần dự Đại hội Đảng toàn quốc.
Đoàn thư ký có 5 người do Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng làm trưởng đoàn. Thành viên có ông Phạm Minh Chính, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân - ông Thuận Hữu; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - bà Trương Thị Mai; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM - ông Võ Văn Thưởng.
Trưởng Ban Thẩm tra tư cách ĐB là ông Ngô Văn Dụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Đáng chú ý, quy chế bầu cử được thông qua nhanh vì đã được 2 Hội nghị Trung ương 13 và 14 thông qua, sau đó được gửi đến 68 đoàn đại biểu lấy ý kiến. Vì vậy, đến phiên họp trù bị của đại hội thì tuyệt đại đa số đại biểu đồng ý, chỉ có chỉnh sửa câu chữ và Bộ Chính trị đã tiếp thu.
Lịch trình chu đáo, kín kẽ
Theo lịch trình, đúng 8 giờ ngày 21-1, Đại hội XII sẽ chính thức khai mạc. Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì lễ chào cờ. Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh lên tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu. Tiếp đến, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có bài phát biểu khai mạc đại hội.
Bước vào phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người điều hành sẽ mời Tổng Bí thư lên đọc báo cáo chung của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện đại hội, báo cáo tổng hợp dài 20 trang. Ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội - bà Trương Thị Mai - sẽ đọc điện, thư chào mừng của chính đảng các nước bạn.
Chương trình tiếp nối với việc Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đọc báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Chiều cùng ngày, ĐB sẽ thảo luận tại hội trường về các văn kiện của đại hội. Trong ngày 22 và sáng 23-1, đại hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về văn kiện với sự tham gia của khoảng 30 đoàn, đại diện cho các tầng lớp trong xã hội.
Đáng chú ý, từ chiều 23-1, đại hội sẽ nghe báo cáo về nhân sự chuẩn bị cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Từ ngày này trở đi, đại hội sẽ dành thời gian chủ yếu cho công tác nhân sự.
Chủ động với vấn đề chủ quyền
Bên lề đại hội, trả lời báo chí về việc văn kiện Đại hội XII có làm đậm nội dung bảo vệ chủ quyền Tổ quốc hay không, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - ông Nguyễn Thế Kỷ - cho biết đây là nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực liên tục có những thay đổi rất mau chóng. Có những thay đổi cần phải sớm nắm bắt tình hình để có sự chuẩn bị.
Về việc ngay thời điểm này, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang ở khu vực chồng lấn trên vịnh Bắc Bộ, máy bay Trung Quốc vi phạm vùng quản lý bay (FIR) Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thế Kỷ nói: “Chúng ta phải vừa đấu tranh với những hành động sai trái, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc nhưng cũng phải đoàn kết quốc tế, kể cả đoàn kết với nhân dân Trung Quốc. Quan điểm của chúng ta là giải quyết tất cả việc đó bằng luật pháp quốc tế”.
Bình luận (0)