*Phú Yên: 65 người chết, 16 người mất tích, 20 người bị thương
Theo báo cáo mới nhất vừa phát hành của UBND tỉnh Phú Yên, tính đến 10 giờ sáng 4-11, bão, lũ đã khiến 65 người chết, 16 người mất tích, 20 người bị thương. Trong đó, huyện Đồng Xuân bị thiệt hại nặng nhất với 30 người, tiếp đến là Tuy An: 20 người, thị xã Sông Cầu: 13 người, TP Tuy Hòa: 1 người, Tây Hòa: 1 người.
TP Tuy Hòa ngập nặng nhìn từ trên cao (Nguồn: chinhphu.vn)
Ngoài ra, có 413 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 5.542 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 22 tàu thuyền bị chìm. Tuyến đường sắt từ ga Tuy Hòa đi Diêu Trì tắc giao thông nhiều đoạn, hiện có 4 đoàn tàu với khoảng 2.000 hành khách bị kẹt tại Phú Yên. Sáng nay, tỉnh Phú Yên huy động 10 xe khách để trung chuyển khách đi tàu ra ga Diêu Trì. Đường giao thông liên thôn, liên xã, huyện lộ, tỉnh lộ của Phú Yên bị ngập, sạt lở, gây tắc giao thông hầu hết các địa phương.
Đầu giờ chiều 4-11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến Phú Yên nắm tình hình bão lũ và chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ và khắc phục hậu quả.
Một người dân đứng trước ngôi nhà ngập nặng ở Phú Yên (Ảnh: AP)
Huyện Đồng Xuân, Phú Yên ngập nặng (Ảnh: H.Nam)
Sáng 4-11, Trung ương cũng đã chi viện cho Phú Yên 3 chiếc trực thăng để chở thực phẩm cứu trợ và cứu nạn nhân dân bị chia cắt ở huyện Đồng Xuân. Đã có 4.207 hộ dân với 16.018 nhân khẩu được dời đến nơi an toàn. Tuy nhiên, do nước lũ dâng nhanh nên vẫn còn nhiều vùng tại huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu bị lũ chia cắt, các canô ứng cứu không tiếp cận được.
Trong khi đó, công trình thủy điện Sông Ba Hạ tiếp tục xả lũ với lưu lượng cao điểm lên tới 14.450 m3/giây làm cho mực nước sông Ba vượt mức báo động cấp 3 hơn 4,5 m, gây ngập lụt một số xã của huyện Phú Hòa và hai huyện phía nam tỉnh là Tây Hòa, Đông Hòa. Nhiều vùng bị ngập sâu hơn cả mức lũ lịch sử năm 1993. Dự báo tình hình thiệt hại do lũ lụt ở Phú Yên sẽ tiếp tục tăng thêm.
* Bình Định: Người dân không kịp trở tay với lũ
Mưa quá to cộng với nước lũ tràn về nhanh chóng khiến người dân tại các khu vực phía Nam tỉnh Bình Định như TP Quy Nhơn, huyện Tây Sơn, Phù Mỹ… không kịp chạy lũ. Rất nhiều người dân bị kẹt lại trên mái nhà, chỉ còn biết trông chờ lực lượng cứu hộ đến giải cứu.
Lũ ở Bình Định dâng lên nóc nhà (Ảnh: Báo Bình Định, AFP)
Người dân phải lên mái nhà chờ ứng cứu (Ảnh: Báo Bình Định)
Tuyến đường sắt về Quy Nhơn bị lũ cuốn trôi nền đường tàu (Ảnh: Báo Bình Định)
Người dân TP Quy Nhơn vội vàng chạy lũ (Ảnh: Báo Bình Định, AP)
Ban chỉ huy PCLB-TKCN Bình Định đi cứu dân (Ảnh: Báo Bình Định)
Cứu dân trong nước lũ (Ảnh: Báo Bình Định)
Trong khi đó, Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Bình Định cho biết toàn tỉnh đã có 5 người chết, 2 người mất tích, 15 người bị thương do bão lũ. Ngoài ra, 127 nhà sập hoàn toàn, 4.668 ngôi nhà bị hư hỏng, ngập nước; 1.397 ha lúa và 1.045 ha hoa màu bị ngã, ngập nước hư hỏng; 669 ha cây lâm nghiệp bị hư hỏng.
Bão lũ cũng làm sạt lở 542 m đê kè, kênh mương bị bồi lấp và cuốn trôi 10.500 m; làm hư hỏng 7 đập tràn; 13,34 km đường giao thông bị sạt lở hư hỏng… Tổng thiệt hại ước tính 81 tỉ đồng.
* Khánh Hòa: Gần 15.000 người phải di dời
Theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Khánh Hòa, đến ngày 4-11, trên địa bàn tỉnh có 7 người chết (Vạn Ninh: 1, Cam Lâm: 3, Ninh Hòa: 2, Diên Khánh: 1); 3 người mất tích và 8 người bị thương do mưa lũ. Thiệt hại về người phần lớn do bất cẩn hoặc chủ quan vượt ngầm, tràn, sông suối khi dòng nước chảy xiết.
Mưa lũ cũng làm sập trôi 164 nhà, trong đó nặng nhất là địa bàn huyện Vạn Ninh. Số hộ phải di dời trong lũ lên đến 3.741 hộ với gần 15.000 nhân khẩu.
Ngoài ra, mưa lũ còn làm ngập 763 ha lúa; đổ ngã 617 ha mía; diện tích hoa màu thiệt hại hơn 24 ha. Diện tích ao đìa thủy sản bị thiệt hại là 112 ha; 120m đìa tôm, cá bị sạt lở khiến hơn 10 tấn thủy sản bị trôi. Có tổng cộng 77 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng và hơn 2.000 lồng trên bè tôm bị chìm.
Ngập nặng trên đường Nguyễn Thiện Thuật, TP Nha Trang (Ảnh: AP)
Nha Trang: Bão qua, lụt về, ngổn ngang củi rác ở bãi biển
Đến cuối chiều 4-11, đại lộ 23 tháng Mười vẫn ngập sâu. |
Bình luận (0)