xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đâm tàu cá: Hành vi khủng bố!

BÍCH VÂN - TỬ TRỰC - THẾ DŨNG

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Văn Sơn cho rằng hành động ngang ngược của phía Trung Quốc không làm ngư dân Việt Nam nao núng, lo sợ

Ngày 27-5, chúng tôi tìm đến nhà bà Huỳnh Thị Như Hoa (SN 1977, ngụ phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), chủ tàu cá ĐNa-90152 TS bị tàu vỏ sắt số 11209 của Trung Quốc đâm chìm cách giàn khoan trái phép Hải Dương 981 khoảng 17 hải lý.

Vô nhân đạo!

Bà Hoa cho biết bà có 2 tàu cá ĐNa-90152 TS và ĐNa-90508 TS xuất bến ngày 13-5. Trên tàu ĐNa-90152 TS có 10 người do ngư dân Đặng Văn Nhân làm thuyền trưởng. Khoảng 16 giờ 14 phút ngày 26-5, bà nhận được cuộc gọi từ ông Nguyễn Đình Sinh, thuyền trưởng tàu ĐNa-90508 TS, báo tin tàu ĐNa-90152 TS vừa bị tàu Trung Quốc đâm chìm.

Ngư dân Huỳnh Tấn Cảm, thuyền viên tàu QNg - 96147 TS, chuẩn bị tiếp tục ra Hoàng Sa đánh bắt Ảnh: Tử Trực

Ngư dân Huỳnh Tấn Cảm, thuyền viên tàu QNg - 96174 TS, chuẩn bị tiếp tục ra Hoàng Sa đánh bắt Ảnh: Tử Trực

Theo ông Sinh, trước đó, 2 tàu cá của bà Hoa bị 2 tàu Trung Quốc áp sát, truy đuổi và có nhiều hành động khiêu khích. Hai tàu cá đều chủ động né tránh nhưng không ngờ bị tàu Trung Quốc cố tình đâm mạnh làm cả 10 người rớt xuống biển. “May mà 2 tàu của tôi đi cùng nhau mới cứu sống được anh em. Nếu đi riêng lẻ mà bị đâm kiểu này thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Không hiểu sao phía Trung Quốc lại hành động vô nhân đạo như vậy?” - ông Trần Văn Vốn, chồng bà Hoa, bức xúc.

Cùng ngày, tàu cá QNg-96417 TS của ngư dân Dương Văn Giàu (ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cùng 11 thuyền viên đã cập cảng sau chuyến biển bị phía Trung Quốc đập phá, cướp tài sản khi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa. Ông Giàu kể khoảng 20 giờ ngày 7-5, khi tàu cá của ông đang neo đậu tại đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) để lặn bắt hải sâm thì bất ngờ xuất hiện 2 chiếc xuồng của Trung Quốc chạy tới áp sát. Sau đó, khoảng 20 người mặc đồ rằn ri, tay cầm hung khí nhảy lên tàu. Họ ép các ngư dân về phía mũi tàu rồi dùng búa chặt phá ngư cụ, cướp đi 400 lít dầu diesel, máy dò cá, Icom, định vị và gần 400 con hải sâm…

“Dù bị Trung Quốc cướp phá tài sản nhưng anh em vẫn quyết tâm không rời đảo mà vẫn vô lặn mò hải sâm. Hễ tàu Trung Quốc đến thì mình chạy; họ hết quấy phá, mình lại tiếp tục quay vô đảo làm ăn. Cứ vậy, anh em chúng tôi đã nhờ tàu cá khác hỗ trợ phương tiện nên ở lại hành nghề đến ngày 25-5 mới về” - ông Giàu cho biết.

Phi pháp, thiếu thiện chí

Bên hành lang Quốc hội ngày 27-5, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương - cho rằng với số lượng đông, tàu Trung Quốc dễ dàng tấn công tàu cá Việt Nam trong quá trình đánh bắt, khai thác. “Việc làm đó là rất phi pháp, thiếu thiện chí. Tàu Trung Quốc đã khiêu khích, dùng sức mạnh tấn công ngư dân của ta trên ngư trường quen thuộc của Việt Nam” - ông nhấn mạnh.

Ông Rinh cho rằng việc phía Trung Quốc tấn công tàu cá của ta là có kế hoạch từ trước. “Khi đã định vị được giàn khoan, Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai lực lượng của họ rộng hơn. Mình không kiên quyết đẩy lùi thì họ sẽ lại lấn tới” - ông nhận định.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng hành vi đâm tàu cá Việt Nam là biểu hiện rõ ràng của Trung Quốc trong việc mở rộng phạm vi bảo vệ giàn khoan trái phép Hải Dương 981. “Tôi cho rằng vụ đâm chìm tàu cá của ngư dân ta ở mức thấp nhất có thể gọi đó là hành vi khủng bố. Từ trước đến nay, với những hành động bạo lực như vậy, Việt Nam vẫn tiến hành yêu cầu phía Trung Quốc phải bồi thường, nhất là lần này họ cố tình đâm tàu cá của ta” - ông Sơn khẳng định.

Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đề nghị ngư dân khi đi biển phải tổ chức thành tập đoàn, đội, có chỉ huy và phương án đối phó khi gặp tàu Trung Quốc. Theo ông Huỳnh Ngọc Sơn, để hỗ trợ và bảo vệ ngư dân thì còn cần những chủ trương lớn. Ngoài việc hỗ trợ đóng tàu vỏ sắt, trang bị hệ thống thông tin hiện đại, cần có kế hoạch tổ chức bảo vệ ngư dân từ phía lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển.

Theo Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam đã phản ánh “các hành động hết sức nguy hiểm, đe dọa mạng sống con người”.

 

Triệu đại diện Trung Quốc phản đối

Đại diện Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao ngày 27-5 đã triệu đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam.

Cùng ngày, trả lời câu hỏi của các phóng viên trong nước và quốc tế về phản ứng của Việt Nam trước các vụ việc tàu Trung Quốc xua đuổi, khống chế, gây thiệt hại về người và của đối với ngư dân Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: “Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt những hành động vô nhân đạo, xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế; đồng thời xử lý nghiêm những người liên quan, không để tái diễn những hành động tương tự và bồi thường thỏa đáng cho các ngư dân Việt Nam”. B.Diệp

 

Trung Quốc ngăn cản cứu hộ, cứu nạn

Chiều 27-5, ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết hiện lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam đang tiến hành trục vớt và kéo tàu ĐNa-90152 TS bị chìm vào bờ để làm chứng cứ đấu tranh pháp lý với những hành động sai trái của phía Trung Quốc. Tuy nhiên, việc cứu hộ này đã bị các tàu của Trung Quốc ngăn chặn, cản trở.

Trước đó, Hội Nghề cá Việt Nam đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại trung ương phản đối việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá ĐNa-90152 TS của ngư dân Đà Nẵng. Ông Võ Văn Trác, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết dù 10 ngư dân trên tàu cá bị đâm chìm đã được cứu nhưng toàn bộ con tàu - bao gồm tài sản, ngư lưới cụ và hải sản đánh bắt trị giá 5 tỉ đồng - đã bị đắm. “Hội Nghề cá Việt Nam yêu cầu Trung Quốc bồi thường những thiệt hại cho ngư dân, đồng thời không tái phạm những hành động này cũng như gây cản trở ngư dân Việt Nam hoạt động đánh bắt hải sản trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam” - công văn nêu rõ. V.Duẩn

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo