Ông Trần Văn Tâm (chủ quán nước giải khát gần nơi xét xử), cho biết mờ sáng nay, 17-12, một số người dân ở Tây Ninh, Vũng Tàu, Long An, Sài Gòn đã đổ về nơi xét xử. Hầu hết đều tò mò mong muốn nghe lời kể từ 3 bị cáo.
Lúc 3 giờ sáng nay, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận hàng loạt lều bạt đã được người dân dựng lên để bán nước giải khát, thực phẩm, nón… Bà Nga, vừa bày nước giải khát ra bán, vừa cho biết: “Bọn tui là dân ở đây. Bình thường tui ở nhà giữ cháu ngoại chứ biết bán buôn gì đâu. Nhưng hôm nay biết người dân kéo về đây rất đông nên chúng tôi tranh thủ bán nước kiếm chút tiền”.
Mới hơn 5 giờ 30 phút sáng 17-12, đã có hàng chục người kéo đến theo dõi phiên tòa
3 giờ sáng khu đất 4 ha, nơi dự kiến xét xử, iim lìm
Nhưng những tuyến đường xung quanh từ 4 giờ sáng người dân đã kéo nhau đi xem xét xử
Bà Nga cho biết mình cùng 3 người khác trong xóm hùn nhau khoảng 2 triệu đồng để mua nước giải khát bán. “Chai nước suối bọn tui mua vô 2.700 đồng, giờ ướp lạnh rồi bán cho bà con giá 5.000 đồng. Hôm nay trời rất nóng. Bà con đi coi, thấy mấy cái thằng giết người đó chắc tức lắm. Chúng tôi bán nước giá hữu nghị giúp bà con hạ hỏa” – bà Nga vừa nói vừa cười.
Lều bạt dựng lên từ tinh mơ
Từ 4 giờ sáng, người dân đi xem xét xử đã kéo đến trung tâm hành chính huyện Chơn Thành. Nhiều người trên tay cầm đèn pin. Anh Bình, một người dân ở Chơn Thành nói: “Tôi làm nghề cạo mủ cao su. Tối qua tôi cầm đèn pin đi cạo xong thì đi bộ từ rừng ra đây luôn”.
Có mặt gần khu vực xét xử lúc 5 giờ sáng, ông Phan Đình Quang (51 tuổi, ngụ huyện Dầu Tiếng – Bình Dương ) nói: “Tôi chạy xe máy từ Dầu Tiếng lên đây. Nhiều người hàng xóm của tôi đi lên đây từ chiều qua. Họ thuê nhà trọ ở Chơn Thành nghỉ qua đêm chờ coi xét xử”.
Lúc 5 giờ 30 phút, ông Tuấn (51 tuổi, ngụ TPHCM) tới khu vực tòa bằng xe đò. Ông nói với phóng viên Báo Người Lao Động: “Tui ở gần cầu Bình Triệu. Tui ra bến xe Miền Đông bắt xe đò lúc 3 giờ sáng. Tui phải coi phiên xét xử này. Phải lên đây coi trực tiếp cho rõ sự tình".
Ông Tuấn cho biết mình đón xe đò đi từ 3 giờ sáng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Viết Phong, Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Phước, cho biết đến nay công tác hậu cần phục vụ việc xét xử đã cơ bản hoàn tất.
Theo ông Phong dự đoán có hơn 3.000 người dân sẽ đến xem phiên tòa đặc biệt này.
Phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận những hình ảnh từ khu vực xét xử vụ án nghiêm trọng này.
Nhưng có lẽ phóng viên báo đài là những người có mặt sớm nhất
Nhóm công nhân từng bị nghi ngờ sát hại 6 người Bình Phước nghỉ việc đi xem phiên tòa
Hàng trăm người dân đến từ 5 giờ sáng
Trước khi gia đình ông Lê Văn Mỹ bị sát hại có một nhóm công nhân đã xin nghỉ việc khiến nhiều người hoài nghi họ gây án. Nhưng khi nghi can lộ diện, nhóm công nhân này mới được giải oan.
Nhóm gồm các anh Thanh (quê Bạc Liêu), Núc, Xoài (quê Đồng Tháp), Phú, Hiếu (ngụ xã Minh Hưng, Chơn Thành), Xuyên (quê An Giang) và Lẫy (ngụ huyện Hớn Quản, Bình Phước).
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, anh Thanh cho biết anh cùng 6 công nhân khác nghỉ việc để xem phiên tòa.
“Bỏ mấy trăm ngàn tiền công để đi xem không uổng. Một phần tôi muốn chứng kiến rõ thực hư quá trình gây án của Tiến và Dương, phần khác dù sao mình từng làm công cho ông chủ (ông Mỹ) nên phải đến dự phiên tòa”- anh Thanh nói.
Theo anh Thanh hiện cả 7 công nhân đều vẫn làm nghề xẻ gỗ, cuộc sống ổn định. Anh Thanh bày tỏ: “Tôi không thể thay phiên tòa luận tội nhưng tôi chỉ muốn những người gây án phải chịu mức án đúng mức theo pháp luật”.
Lê Phong
Bình luận (0)