Đây là dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đầu tiên tham gia Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Gần 1.200 doanh nghiệp tham gia
Trước đó, tháng 5-2015, Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức mở dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đầu tiên, tiếp nhận, giải quyết và trả hồ sơ kiểm định đối với mô tô, xe máy và động cơ xe máy nhập khẩu. Bằng hình thức trực tuyến này, cả cơ quan đăng kiểm và doanh nghiệp (DN) bắt đầu làm quen với việc làm thủ tục qua mạng, giao dịch từ xa thay cho cách thức truyền thống là đến trực tiếp trụ sở cơ quan đăng kiểm để làm thủ tục.
Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết công việc của người làm nghề đăng kiểm là kiểm soát chất lượng phương tiện giao thông vận tải, cung cấp, phục vụ dịch vụ liên quan tốt nhất cho người dân, DN, phục vụ lợi ích chung. “Cục Đăng kiểm đang nỗ lực cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động đăng kiểm với phương châm: Từng dịch vụ đưa ra phải hiệu quả, thiết thực với người dân và DN” - ông Hình khẳng định.
Từ lợi ích đem lại cho DN, chỉ 3-4 tháng sau, Cục Đăng kiểm tiếp tục khai trương, áp dụng việc giải quyết hồ sơ trực tuyến đối với các nhóm phương tiện nhập khẩu: xe chuyên dùng, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ hoạt động trong phạm vi hạn chế, xe cơ giới (ô tô, rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc).
Theo ông Trần Kỳ Hình, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đăng kiểm, kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia là bước đi nhằm hiện thực hóa cải cách, hiện đại hóa hành chính và giúp DN giảm thời gian, chi phí kinh doanh, sản xuất. “Tuy vậy, quan trọng nhất là hiệu quả thực tế mà chỉ những con số về kết quả giải quyết hồ sơ, thủ tục mới nói lên điều đó” - ông Hình nhìn nhận.
Đại diện lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho biết sau hơn 1 năm triển khai hình thức thủ tục trực tuyến, tính đến ngày 30-11-2016, đã có 1.176 DN tham gia làm thủ tục đăng kiểm trực tuyến. Cơ quan đăng kiểm đã cấp trực tuyến hơn 386.500 hồ sơ, chứng chỉ kiểm định chất lượng phương tiện các loại. Bên cạnh đó, theo thống kê tự động của Cổng thông tin một cửa quốc gia, hệ thống trực tuyến của Cục Đăng kiểm đang dẫn đầu so với tất cả lĩnh vực về số lượng hồ sơ, giấy chứng nhận được cấp trực tuyến.
Chắc chắn, hiệu quả thực tế
Ông Trần Kỳ Hình nhấn mạnh phương châm của lãnh đạo Cục Đăng kiểm trong việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến là chắc chắn, hiệu quả thực tế, từ đó rút kinh nghiệm để nhân rộng sang các mảng khác và toàn bộ lĩnh vực của đăng kiểm. Kinh nghiệm rút ra là tạo sự thay đổi, thích ứng cả hai phía - đơn vị giải quyết thủ tục và DN.
Theo Cục Đăng kiểm, để không ảnh hưởng đến sản xuất của DN, Cục Đăng kiểm chỉ đạo bộ phận chức năng tích cực hỗ trợ DN làm quen, tiếp cận hệ thống trực tuyến. Bên cạnh đó, thay đổi, sắp xếp lại văn phòng theo mô hình “văn phòng điện tử”, tối ưu hóa thế mạnh của phương thức điện tử để ngăn ngừa phát sinh tiêu cực.
Hình thức nộp hồ sơ điện tử đã đem lại hiệu quả thiết thực cho DN. Công ty TNHH Thương mại và Tài chính Hải Âu, Công ty TNHH Lê Xuân, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng thương mại Nam Long... cho biết hình thức hồ sơ điện tử đã giúp các DN tiết kiệm được 60%-75% thời gian và chi phí so với hình thức hồ sơ giấy.
Đến nay, các đơn vị, trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc đều đã quen với việc sử dụng dữ liệu thông tin giấy chứng nhận phương tiện được cung cấp trên máy chủ để phục vụ kiểm định phương tiện. Cục Đăng kiểm đang thử nghiệm tiếp hệ thống trực tuyến cấp phôi phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng phương tiện sản xuất, lắp ráp và tem hợp quy cho xe đạp điện với mục tiêu sẽ đưa 100% DN sản xuất, lắp ráp xe tham gia hệ thống.
Theo ông Võ Thanh Bình, Trưởng Phòng Tài chính - Cục Đăng kiểm, từ đầu năm 2016, cục đã áp dụng cấp hóa đơn điện tử đối với dịch vụ kiểm định phương tiện, động cơ nhập khẩu. Đến nay, Cục Đăng kiểm đã cấp cho 100% phương tiện nhập khẩu trực tuyến.
Ông Võ Thanh Bình cho biết sắp tới, Cục Đăng kiểm sẽ kết hợp với Tổng cục Thuế cung cấp dịch vụ khai và nộp thuế trước bạ đăng ký xe, góp phần tạo thuận lợi cho người dân.
Bình luận (0)