Ngày 9-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận cho ý kiến về dự thảo dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa.
Quá nhiều loại quỹ hỗ trợ
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình dự án Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa của UBTVQH nêu rõ: Đa số ý kiến cho rằng với điều kiện ngân sách hiện nay và việc thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách thì việc bảo đảm nguồn lực hỗ trợ DN nhỏ và vừa khó khả thi. Nhiều ý kiến đề nghị xem xét phạm vi điều chỉnh cũng như đối tượng áp dụng của dự luật vì quy định hiện nay là quá rộng (DN nhỏ và vừa chiếm khoảng 97,9% tổng số DN) trong khi nguồn lực hỗ trợ của nhà nước có hạn.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng vấn đề thuế quy định trong dự luật rất phức tạp, không nên vội vàng thay đổi do phải sửa đổi luật thuế. Trong khi đó, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn dự luật chưa ổn khi quy định tới 5-6 loại quỹ hỗ trợ đối tượng này. Hơn nữa, việc sử dụng ngân sách cho vay là không đúng nguyên tắc. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải đề xuất không quy định quá nhiều loại quỹ hỗ trợ mà đầu tư vào hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho DN tại các KCN như “vườn ươm DN”.
Tránh hỗ trợ cào bằng
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị dự án luật cần có những quy định rõ để hỗ trợ “trúng địa chỉ”. Ông Bình ví dụ như DN khởi nghiệp khác với DN bình thường ra sao vì trên thế giới 80% DN khởi nghiệp thất bại nhưng nếu thành công thì vang dội. Các nước có quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư vào DN khởi nghiệp, thông thường 70% số được đầu tư không hiệu quả nên DN nhỏ và vừa có phương án tạo quỹ chứ không nên dùng ngân sách.
Đồng tình, đại biểu (ĐB) Nguyễn Đức Hải đề nghị có chính sách hỗ trợ thuế khác nhau đối với DN siêu nhỏ, DN nhỏ, nếu không sẽ tạo nên gánh nặng ngân sách. “Luật không nên thiết kế quá bao quát sẽ khó thực thi và có thể nảy sinh cơ chế “xin - cho” - ĐB Hải bình luận.
ĐB Nguyễn Đức Hải cũng băn khoăn về quy định DN nhỏ và vừa được hỗ trợ về mua sắm công do vướng quy định hiện hành, thậm chí nếu áp dụng có thể phát sinh chi phí cao hơn việc mua trực tiếp từ các nhà sản xuất.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đồng tình mục tiêu của luật nhưng không được phá vỡ các luật “rường cột” như Luật Đất đai, Luật về thuế, Luật Ngân sách… Phó Chủ tịch QH đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu hoàn thiện dự thảo luật theo hướng tập trung vào những DN có xu hướng phát triển mạnh, phù hợp với mô hình phát triển của Việt Nam. Nếu cần thì phải sửa đổi luật như Luật Thuế thu nhập DN.
“Việc hình thành các quỹ, tôi đồng ý với dự luật nhưng số lượng các quỹ phải rà soát làm rõ thêm, không nên để quá nhiều quỹ làm phân tán nguồn lực” - ông Hiển góp ý.
Bàn luận về việc bồi thường cho người bị oan sai
Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi).
Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, qua các vụ bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) và nhiều vụ khác cho thấy rất khó định lượng để xác định bồi thường. Như trường hợp ông Chấn, khi tiến hành kiểm điểm lại thì tất cả các cơ quan liên quan đều nói việc vận dụng bồi thường cho ông Chấn không đúng, dẫn tới khoản bồi thường quá cao (7,2 tỉ đồng - PV). Việc này có thể dẫn đến các trường hợp sau người yêu cầu 10 năm tù oan phải bồi thường thế này, 12 năm phải thế kia, 17 năm là mức này...
“Chúng tôi đang chỉ đạo TAND tỉnh Bình Thuận để bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén. Nếu theo đúng khung quy định của Bộ Tài chính thì mức bồi thường cho ông Nén rất hạn chế và thấp hơn nhiều so với ông Chấn, mặc dù ông Chấn tù oan 10 năm, còn ông Nén là 17 năm” - ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Ông Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, thừa nhận cán bộ thay mặt nhà nước thực thi công vụ; khi “con dại cái mang”, cơ quan công quyền phải đền là đúng. Song nếu xác định cố ý làm trái dẫn đến sai thì phải tự bỏ tiền túi ra bồi thường. Còn do trình độ kém, nhận thức chưa tới mà gây oan sai thì nên áp dụng biện pháp khác như chuyển công tác nơi khác, hạ bậc lương, không bổ nhiệm lại… Cơ quan nào ra quyết định cuối cùng, cơ quan đó đứng ra thay mặt nhà nước thực hiện việc bồi thường. “Nhưng xác định trách nhiệm phải từ ông đầu tiên trở đi chứ không để người cố gắng đá quả bóng khỏi chân mình là xong, ngồi đó cười xem người khác xử lý” - ông Thể kiến nghị.
Kết luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng người bị oan có quyền lựa chọn được yêu cầu thỏa thuận bồi thường hoặc khởi kiện ra tòa. Tiền để bồi thường được lấy từ ngân sách nhà nước.
Bình luận (0)