Sự can thiệp kịp thời của một số bộ trưởng được người trong cuộc và dư luận hoan nghênh, qua đó thể hiện sự quý trọng nhân tài. Tuy nhiên, qua các trường hợp đó đã bộc lộ những lỗ hổng trong quy định pháp lý hiện hành về điều kiện tuyển sinh nói chung và tuyển chọn học viên, sinh viên vào một số trường, ngành đặc thù nói riêng.
Tâm lý chung của xã hội là không muốn những thí sinh có thành tích tốt bị mất cơ hội học tập, thậm chí các em phải được các trường ĐH tốt săn đón. Song với những trường hợp vừa xảy ra thì ngược lại: Các em “thoát hiểm” nhờ sự “giải cứu” của những người có thẩm quyền quyết định.
Vậy rõ là những sự vụ như vậy “có vấn đề”! Nếu các quy định về xét tuyển ĐH cũng như quy định đặc thù của từng trường, từng ngành là đúng thì phải chăng những người có trách nhiệm đã “xé rào”, tạo những tiền lệ không tốt về lâu dài? Còn không thì chứng tỏ các quy định đó hoặc lỗi thời hoặc đã phát sinh những bất cập, không theo kịp thực tiễn cuộc sống. Nếu rơi vào 1 trong 2 trường hợp này thì đều không hay vì cho thấy các quy định pháp lý không được thực hiện nghiêm, không phát huy tác dụng.
Trong trường hợp các quy định về tuyển sinh có điều bất hợp lý nhưng phải đến khi xảy ra chuyện (ví dụ như 2 thí sinh ở Quảng Bình và Nghệ An vì có bố từng bị tuyên phạt tù cho hưởng án treo nên không được nhận vào học trường công an, cảnh sát), điều bất hợp lý ấy mới được nhận diện và có thể sẽ phải sửa đổi trong thời gian tới thì cũng thể hiện sự tắc trách, thiếu sâu sát của những người thực thi công vụ. Cần nói thêm rằng nếu như không nhờ báo chí phản ánh kịp thời thì rất có thể những thí sinh kể trên đã mất cơ hội được vào học trường mình yêu thích, phù hợp với điều kiện gia đình.
Những ngày qua, một số chuyên gia đã lên tiếng phân tích dưới góc độ pháp lý khá thuyết phục, được dư luận đồng tình cao về trường hợp của 2 thí sinh có bố “dính” tiền án. Theo luật hiện hành, cả 2 trường hợp đều “đương nhiên được xóa án tích” và vì vậy, 2 thí sinh không phải kê khai tiền án của bố vào lý lịch; sở dĩ có chuyện trái khoáy như vậy là do cơ quan chức năng địa phương hiểu chưa đúng dẫn đến vận dụng sai luật.
Tranh luận đúng - sai là một chuyện, sẽ phải chờ thêm hồi kết. Dù gì thì các thí sinh cũng đã được nhận vào học nhưng phải nói rằng nếu như sắp tới đây có thêm những trường hợp tương tự thì buộc lòng những người có thẩm quyền cũng phải “giải cứu”. Từ đó, suy rộng ra những lĩnh vực khác trong xã hội, một khi quy định pháp lý không được thực hiện đúng, nghiêm túc hoặc có sai mà chậm sửa thì gây ra nhiều phiền phức, hệ lụy. Hậu quả trước tiên là những đối tượng bị điều chỉnh trực tiếp phải gánh chịu và rộng hơn nữa là làm trì hoãn sự vận động, phát triển của cả nền kinh tế - xã hội.
Bình luận (0)