xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đau nhói làng quê

NHÓM PHÓNG VIÊN

Thanh niên tha phương cầu thực, phụ nữ lên thành phố rồi sa vào con đường tệ nạn hoặc theo “phong trào” lấy chồng ngoại, nhiều người trong số đó lâm vào cảnh bi đát... Tương lai người lao động trẻ ĐBSCL hết sức xa mù

Nông nghiệp là nền kinh tế chủ đạo của ĐBSCL nhưng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năng suất lao động nông nghiệp năm 2010 của khu vực này là 3,8 triệu đồng/người, chỉ bằng 34% so với trung bình của cả nền kinh tế; thu nhập bình quân hằng tháng của 1 nhân khẩu tại đây vào năm 2010 chỉ bằng 90% so với trung bình cả nước. Thu nhập này giảm dần qua các năm...
 
img
 Không ít trường hợp cô dâu Việt bị chồng người nước ngoài sát hại như chị Phạm Thanh Loan.
Trong ảnh: Tiệc cưới chị Phạm Thanh Loan với người chồng Hàn Quốc tại nhà của chị ở quận Thốt Nốt - TP Cần Thơ (Ảnh Ca Linh chụp lại
)

Thiếu lao động trầm trọng

Tình trạng lao động nông thôn mất việc cũng ngày càng phổ biến. Theo Bộ LĐ-TB-XH, trong năm 2012, ĐBSCL có gần 47.000 lao động bị mất việc làm. Lực lượng lao động có tay nghề và chuyên môn kỹ thuật thấp, chỉ có 8,6% lao động đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ. Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên vùng ĐBSCL cao gấp 2,5 lần so với tỉ lệ thất nghiệp chung của cả nước.

Một thực trạng nhức nhối ở ĐBSCL là nhiều gia đình muốn thoát nghèo nên cho con em đi XKLĐ song lại càng nghèo hơn vì gánh thêm nợ nần. Rất nhiều trường hợp sang nước bạn không làm được, bị đối tác cho thôi việc và buộc trở về nước sớm nên không thể trả được tiền vay ngân hàng. Các tỉnh, thành ĐBSCL đang rất vất vả để thu hồi vốn vay từ chính sách ưu đãi tín dụng cho XKLĐ. Chẳng hạn, tỉnh Bạc Liêu đang gánh khoản nợ này hơn 7 tỉ đồng. 

Từ chỗ nghèo về vật chất, đói về văn hóa và giáo dục, số đông lao động trẻ ở ĐBSCL luôn nung nấu ý nghĩ phải thoát ly nông thôn, ruộng vườn. Bình quân mỗi năm, ĐBSCL có đến hàng trăm ngàn lao động đổ về thành thị tìm việc làm. Hệ quả là các vùng nông thôn thiếu hụt trầm trọng lao động tại chỗ, nhất là vào những vụ thu hoạch lúa hay phun xịt thuốc cho cây trồng, thu hoạch trái cây... Nhiều nông hộ, nhà vườn phải thuê lao động với giá cao nhưng vẫn tìm không ra người.

Nguyễn Minh Thuận, quê xã Long Điền, huyện Đông Hải - Bạc Liêu, là một trong rất nhiều thanh niên ở xứ này rời bỏ làng quê lên TPHCM với ước vọng đổi đời. Thuận cho biết phải làm những công việc rất vất vả ở TP song thu nhập không ổn định, có hôm kiếm được chưa tới 100.000 đồng. “Ở quê, em có nhà cửa đàng hoàng. Nhà có 5 công ruộng, phải chia cho mấy anh em nên không đủ sống.
 
Em bán ruộng mua chiếc xe chạy xe ôm, làm thêm việc vặt ở quê, mỗi ngày cũng kiếm được trên 200.000 đồng, khỏe hơn nhiều khi lên TP thuê nhà trọ ở và “cày” nuôi vợ con”. Dù vậy, Thuận vẫn không có ý định quay về mà vẫn cố tìm cơ hội tại TP chỉ vì không muốn tiếp tục làm nông dân. “Bài học từ cha mẹ em còn đó, làm nông dân cả đời mà có thấy khá nổi đâu!” - Thuận tâm sự.

“Chủ lực” tệ nạn

Hầu như bất cứ một xóm, ấp nào ở nông thôn ĐBSCL cũng đều có phụ nữ lấy chồng nước ngoài hoặc dính dáng tệ nạn xã hội, chung quy cũng bởi vì nghèo. Mỗi khi cơ quan chức năng chặt đứt đường dây môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép, triệt phá ổ mại dâm hay khi xảy ra bi kịch có liên quan đến cô dâu Việt - chồng nước ngoài thì phần lớn các cá nhân liên quan đều xuất thân từ ĐBSCL.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, riêng tại TPHCM, có gần 5.000 đối tượng bán dâm, hầu hết đến từ các tỉnh ĐBSCL. Phụ nữ miền Tây cũng “xuất ngoại” theo chồng với số lượng nhiều đến kinh ngạc. Đến nay, đã có trên 100.000 phụ nữ ở đây lấy chồng nước ngoài, chủ yếu là Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc. Những địa phương có người lấy chồng nước ngoài nhiều nhất là Cần Thơ, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng...
 
Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Hậu Giang có trên 10.000 phụ nữ lấy chồng nước ngoài, trong đó khoảng 6.000 người lấy chồng Hàn Quốc”. Trong khi đó, Hội LHPN TP Cần Thơ cảnh báo tình trạng phụ nữ lấy chồng nước ngoài diễn ra ồ ạt từ năm 2008 đến nay. Tại cù lao Tân Lộc (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt - TP Cần Thơ), vùng đất trù phú nằm giữa sông Hậu, có đến 600 phụ nữ lấy chồng Đài Loan.
 
Hàng loạt cô dâu Việt lấy chồng ngoại đã chẳng may bị đánh đập, chết thảm nơi xứ người nhưng vẫn chưa đủ để cảnh tỉnh những cô gái mong giàu nhanh, đổi đời sớm tại vùng đất này.

Sau vụ việc các cô gái nghèo ở ĐBSCL sang Thái Lan đẻ thuê gây chấn động dư luận cả nước thì mới đây, người ta lại bàng hoàng trước thông tin công an phá một đường dây môi giới bất hợp pháp cho hơn 200 cô gái lấy chồng người Trung Quốc. Cả hơn 200 cô cùng quê thị xã Vĩnh Châu - Sóc Trăng, một vùng đất nông nghiệp, thủy sản được coi là trù phú nhất bán đảo Cà Mau.

Một lãnh đạo Công an thị xã Vĩnh Châu chua chát: “Đa số trường hợp lấy chồng nước ngoài đều có hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn, không có việc làm ổn định. Lợi dụng điều này, những người làm mai mối tiếp cận, hứa hẹn sau khi lấy chồng nước ngoài sẽ cho mỗi gia đình từ 80 - 100 triệu đồng để làm vốn nhưng thực tế sau khi cưới, gia đình cô dâu thường chỉ nhận được từ 5 - 20 triệu đồng, có trường hợp chẳng nhận được đồng nào”.
 

Đắng cay, phũ phàng

Bao năm qua, những tiếng kêu cứu từ các cô gái lấy chồng nước ngoài cứ dội về như lưỡi dao cứa vào lòng những người làm cha, làm mẹ ở ĐBSCL. Theo Công an tỉnh Bạc Liêu, trong năm 2012, có 15 trường hợp người dân nhờ giải thoát cho con mình đang làm dâu bên Hàn Quốc, Trung Quốc. Con số này tại Sóc Trăng cao gấp đôi; Cần Thơ thì có trên 50 trường hợp. Đắng cay, phũ phàng đến thế nhưng “phong trào” lấy chồng ngoại ở vùng thôn quê ĐBSCL đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu dịu lắng.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-3

Kỳ tới: Chết dở vì “công nghiệp hóa”

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo