Năm 2012, nông dân ĐBSCL sản xuất được hơn 24 triệu tấn lúa, đóng góp 90% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam (7,7 triệu tấn), tạo sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn cá tra, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỉ USD. Thế nhưng, theo Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, gần một nửa dân số của vùng này có thu nhập chưa tới 1 USD/ngày.
Nông dân An Giang, Đồng Tháp... quần quật quanh năm vẫn chưa thoát nghèo. Ảnh: THỐT NỐT
Lãi 30% chỉ có trong mơ!
TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, phân tích: Nếu một hộ gia đình trung bình khoảng 5 người trồng 1 ha lúa, sản xuất 2 vụ/năm, đạt năng suất từ 10-12 tấn, trong đó chi phí chiếm khoảng 50% nên còn lại 6 tấn; nếu tính giá lúa ở mức 5.000 đồng/kg thì một năm, hộ đó thu nhập 30 triệu đồng, tính ra mỗi tháng chỉ được 2,5 triệu đồng, chia cho 5 người, mỗi người chỉ được 500.000 đồng/tháng, chỉ bằng 1/3 lương công nhân.
Nếu gia đình này có con đi học đại học hay đau bệnh thì khoản thu nhập trên chẳng thấm vào đâu. Đó là tính trung bình cho gia đình 5 người, chứ trên thực tế, có rất nhiều hộ đông con nhưng chỉ canh tác vài công lúa, làm không đủ ăn, thiếu quanh năm, phải vay mượn bên ngoài.
Nông dân Võ Văn Tài (xã Hưng Phú, huyện Phước Long - Bạc Liêu) tính: “Tổng chi phí sản xuất cho 1 công lúa (tương đương 1.000 m2) gồm tiền công làm đất (200.000 đồng), tiền công làm cỏ lúa, phun xịt thuốc (200.000 đồng), tiền phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (2 triệu đồng), tiền tưới tiêu (150.000 đồng), tiền công thu hoạch lúa (300.000 đồng), tổng cộng là 2,85 triệu đồng.
Nếu thuận mùa, không bị dịch bệnh sẽ cho thu hoạch trung bình 800 kg/công. Với giá thu mua tại ruộng hiện nay là 4.600 đồng/kg (tính theo giá đã tăng, lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu) thì mỗi công đất thu về được 3.680.000 đồng. Như vậy, cao lắm nông dân chỉ còn lãi 830.000 đồng, tức 22,55%. Chúng tôi cứ nghe mãi câu chuyện trồng lúa có lãi 30% nhưng đó chỉ là con số trong mơ”.
Theo ông Tài, chỉ có vụ đông xuân mới có thể lãi được như vậy; còn vụ hè thu, chi phí sản xuất cũng bằng vụ đông xuân nhưng năng suất trung bình chỉ 600 kg/công. Nếu giá thu mua cao hơn là 5.000 đồng/kg thì cùng lắm nông dân cũng chỉ thu về được 3 triệu đồng/công, trừ chi phí sản xuất, nông dân còn lãi vỏn vẹn 150.000 đồng, tức 5%. Như vậy, bình quân cả 2 vụ lúa/năm, nông dân còn lãi 930.000 đồng, tức 13,9%. Đó là chưa kể lúc giá lúa sụt giảm bất thường.
Tư thương “ăn” hết
Trong một nghiên cứu tại tỉnh An Giang giai đoạn 2009-2010, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố lợi nhuận bình quân đầu người của nông dân chỉ đạt 3,9 triệu đồng/năm, tức vào khoảng 316.000 đồng/tháng. “Nông dân ĐBSCL với diện tích đất đai nhỏ nên kiếm được rất ít tiền từ lúa và chủ yếu phụ thuộc vào thu nhập không phải từ trồng trọt và trang trại” - WB nhận định.
Tại sao trong nhiều năm qua, xuất khẩu gạo thắng lớn lại không chuyển thành của cải đáng kể cho các vùng nông thôn ĐBSCL? Nhiều nhà khoa học, nhà nông nghiệp đều cho rằng lợi nhuận từ lúa gạo đã chảy vào túi của thương lái và doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo.
Cũng theo công bố của WB, thu nhập hằng năm của một thương lái thu mua lúa là 4.000 USD, chủ ghe 15.000 USD hoặc chủ hãng vận tải trong nước là 25.600 USD.
Trong khi đó, một người trồng lúa chuyên canh, sản xuất 3 vụ/năm với diện tích 2,5 ha thì người này kiếm được 860 USD/năm. Với thu nhập này, họ gần sát với chuẩn nghèo hiện nay; nếu chỉ sản xuất 1 vụ/năm với diện tích canh tác 1,5 ha thì lợi nhuận người trồng lúa thu được chưa tới 200 USD/năm.
Đối với trái cây, trong nhiều năm qua, điệp khúc trồng - chặt cứ tái diễn. Điển hình tại huyện Bình Tân - Vĩnh Long, thấy khoai lang tím Nhật mang lại nhiều lợi nhuận, người dân địa phương ồ ạt chuyển hàng ngàn ha đất lúa sang trồng khoai. Ông Võ Văn Theo, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bình Tân, cho biết: “Từ năm 2008, diện tích khoai lang tại huyện là 2.500 ha; đến năm 2013, tăng lên 8.000 ha”.
Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thành Đông, huyện Bình Tân, trong 5 năm qua, toàn bộ gần 600 ha trồng lúa của xã đã chuyển sang trồng khoai nên có năm, tại xã này không tìm ra hạt lúa! Chính vì trồng ồ ạt, cung vượt cầu, gặp khi thương lái Trung Quốc không lấy hàng nên giá khoai lang trong năm 2012 rớt xuống tận đáy, chỉ còn khoảng 200.000 đồng/tạ (60 kg). Với giá này, mỗi công nhà nông lỗ 2 triệu đồng.
Một số người từ Cần Thơ, Đồng Tháp sang huyện Bình Tân thuê hàng trăm ha đất chỉ để trồng khoai lang đã lâm vào cảnh vỡ nợ, tay trắng. Dù thế, nông dân vẫn không thức tỉnh khi trước Tết Quý Tỵ, giá khoai lang bất ngờ tăng trở lại, từ 1,2-1,3 triệu đồng/tạ, thế là khắp các xã của huyện Bình Tân như Tân Lược, Tân Thành, Thành Trung… rặt xanh một màu khoai.
Chạy theo cái lợi trước mắt
Tại các huyện như Trà Ôn (Vĩnh Long), Châu Thành (Hậu Giang), Cầu Kè (Trà Vinh), nông dân thấy cam sành có giá (có thời điểm tăng đến 33.000 đồng/kg) nên đã chuyển đất lúa sang trồng cam.
Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Trà Ôn, diện tích trồng cam sành của huyện này đã lên hơn 2.400 ha, trong đó có khoảng 100 ha vừa chuyển từ đất lúa sang.
Còn tại huyện Cầu Kè, diện tích trồng cam sành tăng nhanh chóng, từ 1.700 ha năm 2000 nay tăng vọt lên gần 6.700 ha, trong năm 2011 và 2012 tăng gần 1.800 ha.
Theo ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành - Hậu Giang, diện tích trồng cam sành toàn huyện là 4.200 ha, trong năm 2012 đã có 700 ha đất lúa bị chuyển đổi sang trồng cam sành. Cái lợi trước mắt là người nông dân có thể làm giàu nhanh chóng nhưng về lâu dài, khi cung vượt cầu, ắt hẳn giá cam sẽ giảm và họ lại “khóc hận”. |
Bình luận (0)