Nông thôn ĐBSCL có 4 cái nhất: nghèo nhất, trình độ dân trí thấp nhất, bị tổn thương nhiều nhất và hưởng phúc lợi xã hội kém nhất. PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động.
Không sống nổi ở quê nhà
Những ai từng đặt chân đến những vùng ven rừng, ven biển Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang... hay ngay cả vùng lõi Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười đều phải giật mình, xót xa trước hình ảnh những làng quê nghèo xơ xác. Có nơi nhà lá san sát, tuềnh toàng, thua xa những cái chòi canh tôm ở các khu nuôi tôm công nghiệp. Trẻ em thiếu ăn, thiếu mặc, phải bỏ học đi mót lúa, mò cua, bắt cá… để mưu sinh.
Đã 20 năm nay, hàng trăm hộ dân ở ấp 14, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau vẫn chưa thoát khỏi cảnh đèn dầu le lói. Nhưng có lẽ đã quen với cảnh sống âm u giữa đại ngàn nên họ không than thở dù chỉ một lời. Chỉ thương cho đám trẻ con, ban ngày phụ giúp gia đình bắt ốc, mò cua; ban đêm phải học bài trong ánh sáng lờ mờ.
Ông Lý Văn Thum, trưởng ấp, giọng buồn buồn: “Cũng vì không đường, không điện mà mấy đứa nhỏ chịu khó lắm cũng chỉ học hết lớp 5. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào con tôm, cây lúa. Nhưng tôm thì chết triền miên, lúa thì năng suất quá thấp, có nơi thu hoạch chưa tới 200 kg/ha, không đủ ăn lấy chi để bán!”.
Huyện U Minh - Cà Mau còn rất nhiều hộ nghèo, đa số người dân bỏ xứ đi làm ăn xa. Ảnh: DUY NHÂN
Ông Thum cho biết gần 30 hộ đã bỏ quê đi Bình Dương và TPHCM làm thuê kiếm sống. Như gia đình ông Huỳnh Ngọc Ẩn, ở tuyến kinh 96, có đến 20 nhân khẩu dắt díu nhau lên Bình Dương làm thuê, 3 năm qua chưa một lần trở về.
Ông Đào Phong Mây, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, than: “Điều kiện canh tác quá khó khăn, kinh mương không được nạo vét khiến cho việc tháo úng, xổ phèn phục vụ sản xuất gặp nhiều trở ngại. Năm nào cũng có nhiều diện tích lúa bị thiệt hại. Riêng năm 2012, có tới 825 ha thiệt hại do ngập úng, xì phèn, cao nhất từ trước đến nay”.
Nợ ngập đầu vì nuôi tôm thất bát
Chỉ trong 2 năm qua, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại ở ĐBSCL lên đến 200.000 ha, tổn thất hàng ngàn tỉ đồng, đẩy hàng trăm hộ vào cảnh trắng tay.
Mùa tôm năm 2011, nông dân bàng hoàng trước hiện tượng tôm chết không thể kiểm soát. Ước tính cả năm, tôm nuôi vùng này thiệt hại khoảng 85.000 ha, gấp 3 lần so với năm 2010, trên 1.000 tỉ đồng của hàng chục ngàn hộ nuôi tôm “đội nón ra đi”.
Sang năm 2012, dịch bệnh ở tôm chẳng những không được đẩy lùi mà còn đẩy tổng diện tích thiệt hại lên con số kỷ lục, trên 100.000 ha. Sóc Trăng dẫn đầu về diện tích tôm bị thiệt hại với 23.371 ha, chiếm 56,6% diện tích thả nuôi; Bạc Liêu 16.919 ha; Trà Vinh 12.200 ha, chiếm gần 50% diện tích thả nuôi; Cà Mau hơn 958 ha, tăng gần 50% so với năm 2011. Năm 2013 nhiều khả năng sẽ là một mùa đầy khó khăn nữa của nông dân ĐBSCL. Chỉ mới ngay vụ đầu tiên trong năm, một số nơi đã xuất hiện hiện tượng tôm chết bất thường.
Cánh đồng tôm xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình - Bạc Liêu, nơi có hàng ngàn dân thành thị đổ xô về đầu tư nuôi tôm, dạo nào này vắng đến rợn người. Đã vào vụ tôm sú mà khắp cả cánh đồng mênh mông chỉ nghe tiếng vịt kêu.
Ông Phạm Văn On, Trưởng ấp 16, xã Vĩnh Hậu A, cay đắng: “Dạo năm 2005, ấp này được mệnh danh là ấp giàu nhất tỉnh nhưng giờ đã bị đổi tên thành “ấp nợ nhiều nhất tỉnh” rồi. Cả ấp chỉ có 340 hộ nuôi tôm nhưng nợ ngân hàng đến 50 tỉ đồng. Tôm cứ chết hoài, bí kế sinh nhai nên bà con lần lượt bỏ xứ đi nơi khác kiếm ăn”.
Những đầm tôm công nghiệp cặp vùng đệm Vườn Chim thuộc khóm Kinh Tế, phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu mới dạo nào còn ì đùng tiếng máy nổ; đêm đêm, ánh đèn điện sáng rực cả một góc trời, nay đã hoang vắng, tiêu đìu.
Ông Đinh Quốc Lâm, Trưởng khóm Kinh Tế, rầu rĩ: “Những người xứ khác đến đây nuôi tôm thì bỏ của chạy lấy người lâu rồi. Còn dân địa phương thì nuôi thất bại nhiều năm liền đến tán gia bại sản, nay bỏ xứ đi tha phương cầu thực nhiều lắm”. Sóc Trăng là địa phương có người bỏ xứ vì tôm nhiều nhất. Chỉ một xã như Liêu Tú của huyện Long Phú đã có trên 200 hộ dân khóa cửa nhà, dắt díu nhau đi Bình Dương, TPHCM... làm thuê. Những người còn vốn liếng ở lại thì không còn thiết tha với tôm nữa mà rủ nhau lấp ao, quay về trồng lúa.
Xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân - Cà Mau có trên 3.000 hộ dân thì 95% số hộ mắc nợ ngân hàng do nuôi tôm thất bát, trong đó trên 50% số hộ mất khả năng hoàn trả vốn. Xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển - Cà Mau cũng rơi vào tình trạng bi đát như vậy. Toàn xã có 780 hộ và hơn 90% số hộ đã thế chấp sổ đỏ vay vốn ngân hàng hàng chục tỉ đồng để nuôi tôm kết hợp trồng rừng. Số tiền này chẳng biết đến bao giờ mới trả nổi…
Kỳ tới: Nông dân làm nhiều, hưởng ít
“Nhục nhã gì đâu…!”
Ông Nguyễn Văn Quang, từng là một điển hình sản xuất giỏi ở ấp 16, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình - Bạc Liêu nhưng qua 2 năm tôm chết liên tục, nay gia đình ông được liệt vào diện hộ nghèo. “Mỗi tháng cầm 30.000 đồng do Nhà nước hỗ trợ trả tiền điện mà thấy nhục nhã gì đâu. Phải chi mình hổng có đất, hổng biết mần ăn, mà nghèo khổ thì cũng đành…” - ông Quang chua chát.
Ông Tiết Văn Biện, ở ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển - Cà Mau, sau nhiều vụ tôm thất trắng đành phải bấm bụng cầm cố 3,2 ha đất trong 3 năm, lấy hơn 70 triệu đồng để trả nợ. Bi kịch hơn, ông Biện phải thuê lại chính mảnh đất của mình với giá 20 triệu đồng/năm để sản xuất. |
Bình luận (0)