Đã có nhiều phân tích tìm nguyên nhân như thói bạo lực bùng phát do lớp trẻ tiếp xúc nhiều với phim bạo lực, không được giáo dục đầy đủ về lòng nhân ái,... Giải thích đúng nhưng chưa đủ! Một câu hỏi đặt ra: Phải chăng thói hách dịch, quan liêu của người lớn đang tiêm nhiễm vào tuổi trẻ?
Bởi lẽ, hằng ngày, đập vào mắt vào tai các em hiện tượng suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận người lớn có chức có quyền. Các em thấy trước mắt tệ quan quyền, thờ ơ trước những khó khăn, bức xúc và yêu cầu chính đáng của nhân dân mà có khi cha mẹ, hàng xóm các em là nạn nhân. Tuổi còn nhỏ, các em chưa đủ lý trí để phê phán hay bài trừ các hành vi sai trái của người lớn mà có khi lại bị tiêm nhiễm và lâu dần trở nên vô cảm hơn.
Một xã hội văn minh không hẳn là cơ sở hạ tầng hiện đại, người dân giàu có mà điều quan trọng nhất là ở đó phải có những con người đạo đức, có tấm lòng nhân ái. Để xây dựng được một xã hội như vậy thì phải đẩy lùi bệnh vô cảm đang ngày càng lan rộng. Cuộc chiến chống bệnh vô cảm, tạo dựng lòng nhân ái cần được triển khai trong từng gia đình, trước hết là giáo dục con cháu bằng các hành vi ứng xử mẫu mực của ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi. Tiếp đến là xây dựng nền tảng đạo đức xã hội bằng các khuôn khổ pháp luật.
Để chữa trị căn bệnh vô cảm, tạo dựng lòng nhân ái , cần phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp nhưng trước hết, phải tạo cho xã hội một sức đề kháng. Đó chính là việc xây dựng và không ngừng nhân lên những yếu tố tích cực trong xã hội. Một môi trường xã hội tốt, lành mạnh sẽ tạo được sức đề kháng cao với căn bệnh này.Không gì có thể thay thế việc khơi dậy lòng nhân ái và dũng khí trong mỗi con người, tinh thần trách nhiệm và dũng khí của các cơ quan chức năng trước những ngang trái và bất công.Cần xây dựng một xã hội đồng cảm và chia sẻ. Các hoạt động nhân đạo, từ thiện được triển khai rộng khắp là hướng tới một xã hội giàu lòng nhân ái, tạo dựng môi trường sống nghĩa tình.
Sự lộng hành của cái xấu, cái ác đã khiến chúng ta phải trăn trở, suy tư. Không ít người đã phải lo lắng về sự xuất hiện quá nhiều của cái ác. Chính trong sự giằng xé, trăn trở đó, sự xuất hiện của những quán cơm “Nụ Cười” chỉ 2.000 đồng liên tục “mọc” lên chỉ để phục vụ “thượng đế nghèo” là minh chứng cho lòng nhân ái vẫn còn tồn tại trên đời này. Nỗi cực nhọc, vất vả của những mảnh đời bần hàn, bất hạnh dường như được vơi bớt. Sự kết tinh của lòng nhân ái làm bừng sáng, sưởi ấm những người bần hàn. Bữa cơm ấy cũng gieo vào lòng mỗi người chúng ta niềm tin rằng lòng nhân ái, sự khoan dung vẫn tràn đầy trong xã hội.
Bình luận (0)