Nông dân huyện Trà Cú - Trà Vinh đang lo lắng vì vụ đông xuân vừa xuống giống vào giữa tháng 1-2011 nay bị nước mặn xâm nhập đe dọa.
Ông Trầm Hoàng Bá, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trà Cú, cho biết: “Nguyên nhân do Công ty TNHH một thành viên Quản lý kỹ thuật công trình thủy lợi Trà Vinh mở cống Cần Chông ở huyện Tiểu Cần lấy nước để phục vụ nuôi cá tra trong thời điểm triều cường và độ mặn dâng đột ngột (hơn 7‰), làm nước mặn đi sâu vào huyện Trà Cú”.
Sau sự cố này, Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh chỉ đạo vận hành lại các cống, đồng thời rửa mặn ở những nơi bị ảnh hưởng. Theo ông Bá, có hơn 6.000 ha lúa bị ảnh hưởng bởi nước mặn.
Nông dân huyện Bình Đại - Bến Tre lo lắng vì đồng ruộng bị xâm nhập mặn. Ảnh: Ca Linh
Theo dự báo, tình hình nước mặn năm nay sẽ diễn ra gay gắt và kéo dài hơn các năm trước. Cụ thể, thời gian diễn ra mặn cao điểm từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 5.
Trung tuần tháng 2, Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Sóc Trăng đo độ mặn tại xã Đại Ngãi, huyện Long Phú là 6,3‰, cao hơn cùng kỳ từ 3‰-6‰; trên kênh Maspero (TP Sóc Trăng) là 3‰; trên sông Mỹ Thanh 4‰, cao hơn cùng kỳ 0,8‰ - 1‰.
Ông Dương Quốc Việt, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Với độ mặn cao hơn so với cùng kỳ sẽ rất bất lợi cho vụ lúa sắp tới”.
Ngành thủy lợi tỉnh Hậu Giang khuyến cáo người dân trữ nước ngọt trong các ao, hồ và bằng các phương tiện sẵn có bảo đảm đủ nước ngọt sinh hoạt trong thời gian mặn xâm nhập.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho rằng: “Ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thường xuyên kiểm tra. Khi mặn xuất hiện với nồng độ từ 2%0 trở lên phải khẩn trương đắp các đập thời vụ để ngăn mặn”.
Trong năm 2010, tỉnh Hậu Giang đã cho đắp 74 đập thời vụ để bảo đảm có nước ngọt cho sản xuất. Năm nay, tỉnh tiếp tục đưa ra kế hoạch đắp thêm 91 đập nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về lúa, hoa màu của nông dân.
Trong khi đó, tại Cà Mau, ông Nguyễn Long Oai, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho rằng nhờ làm tốt công tác phòng ngừa nên từ đầu mùa khô đến nay, tình trạng xâm nhập mặn ở Cà Mau vẫn chưa xảy ra. Các ngành chức năng kiên quyết không để nước mặn xâm nhập vùng ngọt hóa như những năm vừa qua.
Theo đó, nhiều giải pháp hiệu quả được thực hiện như đắp đập ngăn mặn, dự trữ nước ngọt ở các tuyến sông rạch. Quan trọng hơn hết, tránh tối đa nguy cơ nước mặn xâm nhập các khu rừng tràm có diện tích hàng chục ngàn hecta của tỉnh.
Còn theo ông Phạm Văn Sóng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện U Minh, tỉnh Cà Mau: “Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm 2011, huyện đã đắp tất cả các đập để ngăn mặn, tổ chức họp dân để người dân cam kết không phá đập đưa nước ngọt vào ruộng lúa để nuôi tôm. Đây được xem là giải pháp kiên quyết chống mặn xâm nhập nội đồng”.
Ngày càng phức tạp
Tại diễn đàn “Biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, các thiệt hại liên quan sông Mê Kông năm 2010” do UBND TP Cần Thơ phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tài nguyên nước (WARECOD) tổ chức tại TP Cần Thơ vào cuối tháng 2 vừa qua, các đại biểu hết sức lo ngại trước tình trạng xâm nhập mặn ngày càng phức tạp ở ĐBSCL.
Theo ghi nhận, tại Bến Tre, từ năm 2000 trở lại đây, mặn xâm nhập ngày càng dày hơn, cứ 2 năm xảy ra một năm, thậm chí 2 năm liên tục. Tại Cà Mau, từ năm 2008 đến nay, phần lớn bờ biển phía Tây không được bồi lắng như trước mà thường xuyên xảy ra sạt lở lấn sâu vào đất liền.
Đặc biệt là việc 12 đập thủy điện dự kiến xây trên dòng chính sông Mê Kông vào mùa khô sẽ tích nước nên ranh giới mặn sẽ di chuyển lên xuống nhanh chóng và khó tiên đoán, làm hệ thống canh tác khó thích nghi.
C.Linh |
Bình luận (0)