Nguồn lợi thủy sản ở sông Hậu thuộc ĐBSCL những năm qua suy giảm
do nguồn nước bị ô nhiễm, quy trình lũ biến đổi… bởi tác động bất lợi từ các công trình thủy điện dày đặc
trên dòng chính sông Mê Kông. Ảnh: Ngọc Trinh
Hạ lưu gánh mọi thiệt hại
Chính phủ Lào tin rằng việc xây đập Xayaburi sẽ mang lại một nguồn thu quan trọng, giúp thu hút đầu tư nước ngoài và đem đến sự phát triển kinh tế xa hơn cho đất nước.
Tuy nhiên, đối với các quốc gia cùng chia sẻ nguồn lợi từ sông Mê Kông và đặc biệt Việt Nam là nước cuối nguồn chịu tác động của tất cả các hoạt động thượng lưu, việc xây dựng Xayaburi mang đến cho chúng ta những gì và quan tâm lo lắng của chúng ta ra sao nếu đập Xayaburi và tiếp theo hàng loạt đập thủy điện dòng chính được xây dựng?
Có thể nói ngay rằng việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính thượng nguồn Mê Kông sẽ không mang lại bất cứ lợi ích nào cho những người dân hạ lưu. Lý do, theo dự kiến thiết kế, Xayaburi và cả 10 - 11 đập khác là các đập dâng không điều tiết. Nghĩa là chúng chỉ dùng để phát điện. Ngoài ra, không có một công dụng nào khác.
Hưởng lợi từ các nguồn điện này, đầu tiên là các nhà đầu tư và nói rộng ra là quốc gia có công trình (cơ quan thực hiện nghiên cứu khả thi dự án này là TEAM - Thái Lan. Nhà đầu tư là SEAN và Ch.Karnchang - Thái Lan. Đơn vị mua điện là EGAT - Thái Lan).
Vậy là những thiệt hại từ việc xây dựng Xayaburi và các trạm thủy điện trên dòng chính đã được nhìn nhận. Theo số liệu chính thức do Ban Thư ký Ủy hội Mê Kông (MRCS) cung cấp theo đề nghị của phía Lào để tham vấn quốc gia về xây dựng thủy điện Xayaburi cho thấy đập dài 820 m, cao 32,6 m, tạo đầu nước 18,3 m, dung tích hoạt động (hữu ích) 225 triệu m3. Gọi là đập dâng nhưng theo tiêu chuẩn thế giới, đây là đập lớn và hồ chứa lớn.
Việc thi công công trình trên dòng chính mất trên dưới 5 năm cũng gây nên nhiều tác động cho hạ lưu. Tuy nhiên, việc vận hành đập gây nên nhiều lo ngại:
Một là, làm chậm dòng chảy gây lắng đọng phù sa trong lòng hồ, giảm lượng phù sa xuống hạ lưu. Điều này sẽ làm mất cân bằng động lực học dòng chảy, gây xói lở bờ ở các đoạn hạ lưu. Việc giảm phù sa đồng nghĩa giảm lượng phù du nguồn thức ăn cho các loài cá ở hạ lưu - nguồn sống quan trọng của nhiều triệu người ở Campuchia và Việt Nam.
Hai là, vào mùa khô, với dung tích hoạt động đến 225 triệu m3, nếu thủy điện không vận hành theo cơ chế đập dâng mà xả và tích để phát điện, lượng dòng chảy xuống hạ du sẽ thay đổi và gây cạn hơn cho hạ lưu trong nhiều thời điểm. Sự thay đổi này gây bất lợi lớn vào mùa khô, cũng sẽ tác động đến nguồn cá, tăng xâm nhập mặn.
Nếu xét đến toàn bộ các con đập trên dòng chính Mê Kông dự kiến sẽ xây dựng thì tác động sẽ gấp nhiều lần. Bên cạnh đó là hàng loạt tổn thất có thể xảy ra đối với ĐBSCL nhưng chưa định lượng được, như tổn thất về thủy sản tự nhiên nội địa, thủy sản biển, thủy sản nuôi, năng suất nông nghiệp, sạt lở bờ sông, sự sụt lún của đồng bằng do thiếu phù sa, sự dịch chuyển khó đoán của ranh giới mặn trong mùa khô, tác động lên ngành du lịch và tác động dây chuyền lên các ngành công nghiệp - dịch vụ phụ thuộc vào nông nghiệp và thủy sản.
Ngoài ra, trong tình huống có thiên tai như động đất thì đập sẽ có nguy cơ bị vỡ, khiến hàng loạt đập khác bên dưới bị vỡ theo và tác hại đối với vùng bên dưới đập là không thể lường được.
Tìm giải pháp thay thế
Với quá nhiều mối lo ngại trước mắt do tác động xây dựng đập Xayaburi gây ra và lâu dài của hơn 10 bậc thang thủy điện dòng chính đối với môi trường, sinh thái, kinh tế, an toàn cho ĐBSCL, việc đề nghị hoãn xây đập Xayaburi và bất cứ con đập thủy điện nào trên dòng chính trong vòng 10 năm là vô cùng cần thiết.
Nguồn điện Xayaburi bổ sung cho các quốc gia mua điện rất nhỏ bé, có thể có phương án thay thế nhưng những tổn hại cho môi trường, sinh thái và con người của các thế hệ là không bù đắp và thay thế. Vì thế, cần nhìn nhận lợi ích của một bộ phận trong tổng thể lợi ích muôn đời của con người, quốc gia và khu vực.
Kỳ tới: Kiệt quệ nguồn sống
Đề xuất hoãn dự án để nghiên cứu thêm
Hôm nay (22-2), tại TP Hạ Long - Quảng Ninh, Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam (VNMC) tổ chức buổi tham vấn quốc tế xung quanh đề xuất của Lào về việc xây đập thủy điện Xayaburi trên dòng chính sông Mê Kông.
Trước đó, vào giữa tháng 1-2011, tại TP Cần Thơ, “Hội thảo tham vấn quốc gia về đề xuất công trình thủy điện Xayaburi trên dòng chính Mê Kông” đã được VNMC tổ chức. Tại hội thảo, nhấn mạnh tầm quan trọng của ĐBSCL là vựa lúa cung cấp lương thực cho gần 20 triệu người dân, các đại biểu đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tác động của dự án đối với năng suất sản xuất lương thực cũng như sinh kế của hàng triệu người dân ĐBSCL.
Sơ đồ các dự án đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, trong đó có Xayaburi (khoanh tròn). Ảnh: INTERNATIONAL RIVERS
Về những tác động kép tiềm tàng đối với ĐBSCL do biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng như tốc độ phát triển nhanh chóng của các nước thượng lưu, đặc biệt trên dòng chính, ĐBSCL sẽ phải đứng trước mối đe dọa chịu ảnh hưởng các tác động bất lợi nghiêm trọng, dẫn tới tình trạng nước biển xâm nhập sâu vào trong đất liền, gây thiệt hại lớn đối với ngành thủy sản, suy giảm sản lượng nông nghiệp cũng như sự suy giảm không thể dự báo trước của đa dạng sinh học.
Hội thảo nhấn mạnh Xayaburi là con đập đầu tiên trong chuỗi các con đập dự kiến sẽ được xây dựng trên dòng chính ở hạ lưu vực Mê Kông, do đó cần phải được xem xét một cách rất thận trọng. Hầu hết các đại biểu đã bày tỏ mối quan ngại về việc xây dựng đập Xayaburi và đề nghị quyết định xây đập này cần được hoãn một thời gian đủ dài để nghiên cứu thêm, tạo điều kiện cho các bên liên quan đánh giá chính xác các tác động từ dự án.
Dương Quang |
Bình luận (0)