Nhiều người cho rằng hành vi mua bán, sử dụng các thiết bị nghe lén, quay lén là hết sức nguy hiểm vì nó xâm phạm đến đời tư, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, uy tín, danh dự cá nhân, tổ chức. Trong khi đó, việc quản lý thị trường này lại gần như bị bỏ ngỏ.
Giới kinh doanh hốt bạc
Trước thực trạng ai cũng có thể trở thành nạn nhân của nạn quay và nghe trộm, anh. N.T.Dũng, giám đốc một công ty xây dựng ở TP HCM, lo ngại: Chỉ vài triệu đồng, đối thủ có thể đặt một thiết bị nghe lén trong công ty của tôi để thu thập thông tin. Khi đó, trên thương trường, phần thua thiệt chắc chắn thuộc về mình. Vì vậy, tôi phải mua thiết bị phá sóng, thiết bị phát hiện máy quay lén để đối phó.
Điều trớ trêu là chính những trang web bán thiết bị nghe lén, quay lén cũng là nơi cung cấp thiết bị đối phó với nạn quay và nghe trộm. Những thiết bị đối phó này có chức năng phát hiện sóng không dây, dùng công nghệ laser phát hiện ống kính camera. Với giá bán chỉ từ 1-3 triệu đồng nên những thiết bị này bán chạy không kém các thiết bị quay lén, nghe trộm. Thế là những người kinh doanh những mặt hàng này lại được phen hốt bạc.
Thiếu cơ sở pháp lý để xử lý mạnh
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho biết: Hành vi sử dụng thông tin do quay lén, nghe trộm để tống tiền, tống tình hoặc sử dụng vào các mục đích xấu, tùy theo từng trường hợp cụ thể mà đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp dùng thông tin có được do quay lén, nghe trộm để đe dọa, tống tiền thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo Bộ Luật Hình sự. Khi phát hiện bị trộm thông tin, nạn nhân cần làm đơn tố cáo gửi công an để được giải quyết. Khi làm đơn, cần trình bày rõ vụ việc và cung cấp các chứng cứ cần thiết để cơ quan công an có cơ sở xử lý. Sau đó, người bị quay lén, nghe trộm có quyền yêu cầu đối tượng vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho mình (nếu có).
Tuy nhiên, luật sư Hậu cho rằng hiện nay, theo Nghị định 59/2006/NĐ-CP của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện) và các văn bản pháp luật liên quan, việc kinh doanh các thiết bị quay lén, nghe trộm không thuộc các ngành hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện. Do đó, việc xử lý hành vi mua bán các sản phẩm này tương đối khó vì thiếu cơ sở pháp lý. Vì vậy, khi phát hiện cá nhân, tổ chức buôn bán các thiết bị quay lén, nghe trộm, cơ quan chức năng chỉ có quyền kiểm tra và xử lý đối với các hành vi vi phạm về chứng nhận và công bố hợp quy, nguồn gốc xuất xứ, dán nhãn hàng hóa…
“Để ngăn chặn tình trạng này, theo tôi, giải pháp tạm thời hiện nay là các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, quy định về dán nhãn sản phẩm, công bố hợp chuẩn, hợp quy đối với các thiết bị này vì đa phần là hàng lậu. Như vậy, trước mắt sẽ hạn chế tình trạng buôn bán tràn lan các thiết bị quay lén, nghe trộm. Về lâu dài, Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm nghiên cứu và đưa các loại thiết bị theo dõi, thiết bị phá sóng… vào danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện, đồng thời cũng cần sớm có nghị định quy định cụ thể việc xử lý đối với hành vi buôn bán, sử dụng những thiết bị này” - luật sư Nguyễn Văn Hậu đề xuất.
Trung Quốc truy bắt, Việt Nam thả nổi
Từ tháng 6-2013, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi các bộ Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Công an, Quốc phòng đề nghị có biện pháp quản lý phù hợp với các thiết bị ghi âm, ghi hình siêu nhỏ được nhập về Việt Nam.
Theo Nghị định 12/2006/NĐ-CP, các mặt hàng trên không thuộc đối tượng cấm nhập khẩu hoặc thuộc danh mục mặt hàng phải có giấy phép nhập khẩu. Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan, đây là mặt hàng mới, nhạy cảm, có thể bị sử dụng vào những mục đích xấu, gây hậu quả khó lường trong xã hội. Vì vậy, Tổng cục Hải quan đã thông báo cho các bộ liên quan xem xét và đề xuất biện pháp quản lý phù hợp. Đa phần các thiết bị nghe lén, quay lén này có xuất xứ từ Trung Quốc. Thế nhưng, đến nay, việc phối hợp để quản lý xem ra vẫn chưa hiệu quả.
Trong khi đó, ngày 24-1, Trung Quốc cho hay 13 cơ sở sản xuất tại nước này đã bị phá hủy và 67 nhóm liên quan đến việc sản xuất, tiêu thụ các thiết bị ghi hình, ghi âm trái phép đã bị phanh phui trong một chiến dịch truy quét lớn. Theo đó, hơn 15.000 bộ thiết bị theo dõi, định vị, quay phim và ghi âm lén đã bị tịch thu.
Như vậy, các thiết bị nghe lén, quay lén có nguồn gốc từ Trung Quốc đang bị truy bắt ở chính Trung Quốc, có nguy cơ xâm nhập Việt Nam rất lớn.
Nghiêm cấm quay lén, nghe trộm
Điều 12 Luật Viễn thông nghiêm cấm hành vi thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông. Theo Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện), cá nhân, tổ chức có hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý của người đó như hành vi thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Bình luận (0)