Ngày 22-2, tại TP Hạ Long - tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam (VNMC) tổ chức hội thảo tham vấn quốc tế về đề nghị của Lào xây thủy điện Xayaburi trên dòng chính sông Mê Kông.
Các đại biểu đã tập trung phân tích dự án và bày tỏ sự quan ngại về những hậu quả ĐBSCL phải gánh chịu nếu đập Xayaburi được triển khai xây dựng.
Thiếu thông tin về dự án
Đại diện Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên – Môi trường) cho rằng về mặt kỹ thuật và tính pháp lý, phía Lào phải thông báo kịp thời về tình hình của dự án đập Xayaburi.
Tuy nhiên, đến tháng 6-2008, phía Lào mới có thông báo sơ bộ là quá muộn. Bên cạnh đó, Việt Nam, Thái Lan và Campuchia - ba nước hạ lưu của sông Mê Kông - cần lập các nhóm nghiên cứu tác động độc lập, không thể mãi dựa trên báo cáo của Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) cũng như một số chuyên gia quốc tế.
Người dân ở Bắc Lào đánh bắt thủy sản trên dòng sông Mê Kông. Ảnh: Thế Dũng
Theo tiến sĩ Trần Hồng Thái, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng - Thủy văn và Môi trường, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là việc thay đổi dòng chảy ở hạ lưu Việt Nam khi có dự án.
Do vậy, dự án cần có tính toán chi tiết khi xây dựng đập Xayaburi, trong các nghiên cứu hiện chưa có đánh giá cập nhật cho Việt Nam. “Thông tin từ phía Lào đưa ra còn chung chung. Do vậy, dự án này cần được dừng lại để nghiên cứu, làm rõ những tác động đến Việt Nam” - ông Thái đề xuất.
Tác động rất xấu đến hạ lưu
Xây trong 8 năm
Dự kiến, đến tháng 4-2011, dự án thủy điện Xayaburi sẽ được triển khai trên dòng chính sông Mê Kông. Thủy điện Xayaburi có đập dài 810 m nằm ở thác Keang Luang, phía Bắc nước Lào; công suất phát điện 1.250 MW; đập cách ĐBSCL hơn 1.900 km; chi phí xây dựng là 3,5 tỉ USD, kéo dài trong 8 năm. Nếu triển khai, dự án sẽ phải di dời, tái định cư cho 2.100 người và hơn 202.000 người sống gần đập thủy điện sẽ phải chịu tác động tới đời sống kinh tế - xã hội.
D.Quang (Nguồn: VNMC) |
Ông Lê Đình Thành, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi, kiến nghị xem xét Xayaburi trong cả hệ thống bậc thang 12 đập thủy điện dự kiến xây trên sông Mê Kông để xác định rõ mức độ tác động.
Ông Trương Hồng Tiến, Phó Chánh Văn phòng VNMC, cho rằng trong các quốc gia thuộc MRC, Lào có lợi nhất từ đập Xayaburi, còn Việt Nam thì lượng thủy sản sẽ giảm từ 200.000 - 400.000 tấn/năm.
Theo đại diện Bộ NN-PTNT, hiện tại, sông Mê Kông đang cho ĐBSCL 26 triệu tấn phù sa/năm, nếu chặn dòng sông chính để làm thủy điện thì lượng phù sa chỉ còn khoảng 7 triệu tấn/năm. Do vậy, đề nghị phải xem xét, đánh giá thật kỹ lưỡng việc tác động tới sản xuất nông nghiệp của vựa lúa ĐBSCL.
Chủ trì buổi tham vấn, ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, Phó Chủ tịch VNMC, khẳng định việc khai thác tài nguyên nước có tác động đến toàn bộ cộng đồng dân cư sinh sống ven sông Mê Kông.
Hiện chưa có ý kiến chính thức từ phía chính phủ các nước nhưng qua các phiên tham vấn, Campuchia và Thái Lan đều bày tỏ sự lo ngại về tác động của công trình này đối với phát triển kinh tế - xã hội, môi trường.
Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai kết luận: VNMC sẽ kêu gọi các nước và tổ chức quốc tế có kinh nghiệm giúp những nước hạ lưu sông Mê Kông đánh giá toàn diện quy hoạch tổng thể thủy điện trên dòng chính, giao cho VNMC chủ động nghiên cứu tác động từ các công trình này và trong khi thông tin chưa đầy đủ, rõ ràng thì kiến nghị Lào hoãn ra quyết định xây dựng đập Xayaburi.
Kỳ tới: Kiệt quệ nguồn sống
(*) Xem Báo Người Lao Động và Người Lao Động Online từ số ra ngày 21-2
Bình luận (0)