Ngày 16-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cùng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội và các bộ, ngành về những giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tình hình ùn tắc giao thông đang gây bức xúc cho người dân, “đưa con đi học cũng mất mấy tiếng”. Ùn tắc giao thông khiến người dân không giải quyết được vấn đề của nhà nước và gia đình.
TP Hà Nội có 10 triệu dân, TP HCM 13 triệu dân; nếu cùng đổ ra đường thì không hạ tầng nào đáp ứng được. Trong khi đó, các đô thị vệ tinh lại chưa hình thành một cách đúng nghĩa. Thủ tướng cho rằng dự báo trước tình hình xấu mà không có biện pháp thì thiếu trách nhiệm với nhân dân. Do vậy, chính quyền TP Hà Nội và TP HCM cần có giải pháp mạnh mẽ trước mắt và lâu dài.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết giao thông ùn tắc do quá tải phương tiện. Hiện Hà Nội có trên 5 triệu xe máy, trên 540.000 ô tô. Trung bình hằng năm, số lượng xe máy tăng 7,6% và ô tô tăng 13%. Đặc biệt, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao. Trong năm 2016, TP Hà Nội đã giải quyết được 20/44 điểm ùn tắc nhưng nay phát sinh trở lại 4 điểm cũ và phát sinh mới 13 điểm, tổng cộng là 41 điểm ùn tắc.
Thời gian tới, TP Hà Nội sẽ hoàn thiện các tuyến đường vành đai; xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở; hoàn thành dứt điểm các tuyến đường sắt đô thị số 2A, 3; tập trung triển khai sớm 6 tuyến đường sắt đô thị; đầu tư các bến xe khách, xe tải, bãi đỗ xe ngầm. Hiện đã có 5 nhà đầu tư tư nhân đầu tư 5 bến xe lớn, các không gian ngầm đủ chứa được 12.000 ô tô.
“Hà Nội kiến nghị Chính phủ phân cấp ủy quyền cho TP được thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư 2 dự án kết cấu hạ tầng nhóm A từ vốn ngân sách TP; được dùng nguồn vốn từ bán quỹ nhà của TP thu 18.000-20.000 tỉ đồng; tiền vượt thu ngân sách một số năm, riêng năm 2106 là 10.000 tỉ đồng để đầu tư các tuyến metro; được lập lộ trình giảm xe máy cá nhân, thu hồi xe máy quá cũ ảnh hưởng môi trường” - ông Chung đề xuất.
Rà soát chung cư cao tầng ở nội đô
Trước ý kiến của lãnh đạo Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng Hà Nội cần bố trí thêm quỹ đất cho phát triển hạ tầng giao thông, rà soát vị trí các đô thị vệ tinh, rà soát các chung cư cao tầng ở nội đô.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, “các biện pháp tích cực đến đâu cũng khó vì gia tăng dân số”. Bên cạnh đó, trong vòng 5 năm tới, ùn tắc giao thông sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu không có giải pháp đối với phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô khi mà phương tiện này chiếm đất gấp 3-4 lần xe máy nhưng nhiều xe chỉ chở số người bằng xe máy. Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành nhưng thay thế vào đó không phải làm nhà cao tầng mà dành cho dịch vụ công cộng.
Nhất trí với các giải pháp mà TP Hà Nội và các bộ, ngành nêu ra, Thủ tướng yêu cầu cần quản lý tốt quy hoạch của Hà Nội. “Chưa xây dựng nhà cao tầng khi phương án giao thông chưa có lối ra, tập trung mật độ cao quá ở trung tâm thì dứt khoát ùn tắc” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội có biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo đúng quy định pháp luật kết hợp với tuyên truyền, vận động nhân dân; phát triển các loại hình giao thông ngầm, trên cao để giảm mật độ phương tiện trên mặt đường. Quản lý chặt chẽ quy hoạch hệ thống hạ tầng, bảo đảm không chồng chéo, mâu thuẫn. Phải có chương trình tổng thể nhiều năm nhưng trước mắt trong 5 năm tới, cơ bản hạn chế, chống ùn tắc.
Thủ tướng đồng tình với chủ trương của TP Hà Nội là khuyến khích việc huy động các nguồn lực xã hội thay vì sử dụng hàng triệu tỉ đồng từ ngân sách để phát triển hạ tầng giao thông. “TP, bộ, ngành cần đề xuất cơ chế phân cấp cụ thể để TP quản lý, chịu trách nhiệm trước trung ương, trước Thủ tướng thì các cơ quan trung ương tạo mọi điều kiện cho Hà Nội” - Thủ tướng nói.
Bình luận (0)