Phi công, tiếp viên của Vietnam Airlines buôn lậu, đây không phải là vụ đầu tiên.
Người Việt Nam đã từng lấy tay che mặt khi đọc tin nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc của Vietnam Airlines bị bắt tại Tokyo (Nhật Bản) vì bị nghi ngờ vận chuyển 21 món hàng quần áo ăn cắp, trị giá 125.000 yen. Cảnh sát Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc không lạ gì việc nhân viên hàng không của Vietnam Airlines buôn lậu. Chưa kể, có nhiều vụ nhân viên Vietnam Airlines buôn lậu hàng qua cửa khẩu, bị bắt tại Việt Nam.
Dân gian thường nói một câu chua chát để biểu thị cho những việc làm quá xấu hổ, đó là: “Đẹp mặt chưa?”.
Quá “đẹp mặt” đi chứ, khi cả thế giới biết đến những vụ buôn lậu do cơ trưởng, tiếp viên của một hãng hàng không quốc gia của Việt Nam thực hiện. Cảnh sát các nước còn cho rằng đây không phải là những vụ riêng lẻ mà có cả đường dây buôn lậu qua đường hàng không. Khỏi có chối cãi cho mệt, tháng 9-2013, tiếp viên Bùi Ngọc Tuấn của Vietnam Airlines bị an ninh sân bay Nội Bài phát hiện mang 50 điện thoại iPhone 5S từ Paris (Pháp) về nhưng không khai báo. Tiếp viên Thái Anh Tiến bị khởi tố vì có hành vi buôn lậu hàng điện tử và ngoại tệ năm 2011 từng gây xôn xao dư luận vì liên quan đến người mẫu Vĩnh Thụy.
Phi công, tiếp viên là lao động có thu nhập tương đối cao so với nhiều ngành nghề khác trong xã hội nhưng nhiều người trong số họ đã không bằng lòng với cái mình có, lòng tham đã kéo họ vào những phi vụ làm ăn bất chính. Tiếp viên được phân công cho bay nước ngoài, đến các thành phố tập trung nhiều xa xỉ phẩm có thể “đánh” về Việt Nam như Paris, Tokyo, Sydney... coi như là “trúng mánh”. Tất nhiên, muốn bay được những tuyến này không dễ...
Từ vựng tiếng Việt gần đây đã có thêm cụm từ mới: “hàng xách tay”. Có lẽ các nhà biên soạn tự điển chưa kịp đưa vào sách nhưng nếu có thì phải chú thích một trong những nghĩa của cụm từ “hàng xách tay” là “buôn lậu qua đường hàng không”. Ở Hà Nội có cả một khu dân cư chuyên bán “hàng xách tay”. Có ai biết được trong vô số hàng hóa đó có bao nhiêu hàng là không phải buôn lậu. Sự tồn tại của cái chợ “hàng xách tay” này cho thấy không phải một mà nhiều đường dây làm ăn phi pháp.
Vietnam Airlines đã để cho nhân viên của mình tự tung tự tác, hết vụ này bị bắt đến vụ khác bị phát hiện. Vietnam Airlines không kiểm soát được nhân viên thì Cục Hàng không Việt Nam phải có biện pháp chấn chỉnh. Những vụ cơ trưởng, tiếp viên của Vietnam Airlines bị bắt giữ vì liên quan đến buôn lậu không chỉ làm xấu mặt một hãng hàng không quốc gia mà tổn hại đến hình ảnh đất nước.
Người Nhật, người Hàn đã từng treo biển ghi bằng tiếng Việt với nội dung cảnh báo người Việt Nam không được trộm cắp. Đừng để một ngày nào đó họ viết thông cáo bằng tiếng Việt, cảnh báo phi công và tiếp viên Việt Nam không được buôn lậu!
Bình luận (0)