Sự thừa nhận trên của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận được đưa ra sau khi người dân 2 xã Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo ở huyện Tuy Phong kéo ra Quốc lộ 1 chặn xe phản đối Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gây ô nhiễm nặng nề. Có thể nói, việc làm của người dân nơi đây là cực chẳng đã bởi tình trạng ô nhiễm do nhà máy này gây ra đã xảy ra từ lâu song chưa được giải quyết triệt để, làm ảnh hưởng tới cuộc sống, đặc biệt là sức khỏe của họ. Trước đó, người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị và cơ quan chức năng đã vào cuộc, phạt nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm hàng tỉ đồng song đâu lại vào đấy.
Trong khi người dân ở Bình Thuận phải kéo ra quốc lộ để yêu cầu trả lại môi trường sống trong lành thì cách đó hàng ngàn cây số, người dân ở huyện An Lão, TP Hải Phòng cũng dựng lều lán để đòi bồi thường thiệt hại nứt nhà cửa do thi công đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng gây ra.
Trước đó không lâu, dư luận cả nước cũng đã xôn xao với vụ chặt 6.700 cây xanh ở Hà Nội. Khi dư luận mới lên tiếng về việc chặt hạ cây xanh, một quan chức của TP đã khẳng định ngay rằng “việc chặt cây, sao phải hỏi dân!”. Sau đó, khi dư luận rần rần phản đối, các bộ, ngành chức năng như Tài nguyên - Môi trường, Thanh tra Chính phủ và cả Chính phủ vào cuộc thì việc chặt hàng loạt cây xanh ở Hà Nội mới bị dừng lại. Bí thư Thành ủy Hà Nội khi đánh giá về vụ chặt cây xanh đã đúc kết: “Cần rút ra bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc về lắng nghe ý kiến nhân dân”.
Từ vụ chặt cây xanh ở Hà Nội đến việc dân kéo ra đường ở Bình Thuận, có thể thấy rằng dù là chủ thể quan trọng nhất, là “đích đến” cuối cùng của mọi chủ trương, quyết định… song người dân lại “vắng bóng” trong việc hoạch định và ra quyết sách. Bởi không được tham gia vào quá trình này nên tiếng nói và lợi ích của họ có khi không được tính tới hay coi trọng, thậm chí có trường hợp bị xem nhẹ, bị đặt dưới xa lợi ích của bên khác. Hệ quả là khi các quyết sách ban hành, mà xét cho cùng thì người thụ hưởng cuối cùng là người dân, lại bị chính người dân phản đối.
Hà Nội khi rút ra được bài học về lắng nghe dân thì hàng trăm cây xanh, trong đó rất nhiều cây còn tươi tốt, đã bị đốn hạ và quan trọng nhất là uy tín của cơ quan, người ra quyết định cũng như tiến hành chặt hạ cây bị sứt mẻ đáng kể. “Lắng nghe dân”, nếu điều này sớm được thực hiện ngay từ quá trình hoạch định thì chắc chắn sẽ không có các vụ việc người dân phản ứng, phản đối như vừa rồi.
Bình luận (0)