Năm 1965, Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê, Đội trưởng Đội 5 Biệt động Sài Gòn) về huyện Củ Chi tìm một cô gái trẻ làm nhiệm vụ liên lạc với lưới biệt động ở trung tâm thành phố. Địa phương giới thiệu cô gái 18 tuổi Vũ Minh Nghĩa - người đã tham gia cách mạng từ khi mới 13 tuổi (làm giao liên). Nhà Nghĩa có 8 anh chị em đều hoạt động cách mạng.
Tình riêng và nghĩa lớn
Và Nghĩa được chọn. Để che mắt địch khi đi công tác, đội trưởng Bảy Bê, khi ấy 35 tuổi, phải thường xuyên “đóng cặp” với Chính Nghĩa (bí danh của Vũ Minh Nghĩa). Người thủ trưởng bao giờ cũng bảo bọc, chở che cho cấp dưới; còn Chính Nghĩa thì luôn cảm phục người chỉ huy gan dạ, dũng cảm của mình. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén; ít lâu sau, họ nên vợ nên chồng bằng một lễ cưới bí mật.
Khoảng năm 1964, Bảy Bê nổi danh với những trận đánh vào khách sạn Caravelle, Tòa Đại sứ Mỹ, cư xá Brink làm rúng động cả miền Nam và thế giới. Chuỗi chiến công đó đã đưa Bảy Bê trở thành một trong những tượng đài của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Đến năm 1966, ông bị địch bắt, đày ra Côn Đảo. Chính Nghĩa tiếp tục ở lại cùng Đội 5 biệt động chiến đấu trong lòng địch.
Rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân, nữ chiến sĩ biệt động duy nhất của Đội 5 cùng 14 đội viên chia thành 3 mũi tấn công Dinh Độc Lập. Trận đánh không cân sức diễn ra suốt ngày và đêm, 8 chiến sĩ hy sinh, 6 người bị thương và bị địch bắt, trong đó có Chính Nghĩa.
Dùng mọi cực hình tra tấn nhưng không khuất phục được Chính Nghĩa, địch đày bà lần lượt qua các nhà tù: Tổng Nha Cảnh sát, Thủ Đức, Tân Hiệp, Chí Hòa rồi Côn Đảo. Dù vợ chồng đều bị giam tại Côn Đảo nhưng cả hai không hề biết tin nhau.
Trong một đợt trao trả tù binh, Bảy Bê thoát khỏi địa ngục trần gian Côn Đảo. Địch thả ông xuống đồng Chó Ngáp, tỉnh Hậu Nghĩa (nay là Long An), được bà Võ Thị Tránh đùm bọc, chở che. Sau này, tìm mọi cách liên lạc với bà Chính Nghĩa không được, năm 1974, ông báo cáo tổ chức xin lập gia đình với bà Tránh.
Cũng ngay trong năm ấy, bà Chính Nghĩa ra tù, về công tác ở Ban Quân báo Miền. Hỏi thăm mãi và một năm sau, bà gặp lại ông Bảy Bê ở Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh. “Niềm vui đoàn tụ chưa kịp thổ lộ thì tôi chết nghẹn khi biết anh Bảy đã có vợ con. Éo le hơn, bà Tránh lại là chị em bạn dì với tôi” - bà Chính Nghĩa kể.
Dù ông Bảy Bê hết lời giải thích và đồng đội khuyên can nhưng bà vẫn bỏ về Tây Ninh, gặm nhấm mối tình ngang trái. Khi chuyện riêng còn đang dang dở thì chiến dịch Hồ Chí Minh đến, cuốn 2 người tiếp tục vào cuộc chiến cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.
Rồi họ cũng quên đi những chuyện không vui của quá khứ và cùng về với nhau. Ông Bảy Bê hết mực chăm lo cho cả 2 người bạn đời như đã từng chia ngọt sẻ bùi trong những ngày lửa đạn; đến năm 2006, ông qua đời.
Trung trinh với chồng, với Tổ quốc
Không ở lại Sài Gòn lâu sau ngày giải phóng, năm 1977, vợ chồng bà Lê Thị Kim Ba (SN 1945) - ông Nguyễn Văn Ba (SN 1945, bí danh Ba Quang, Đội Biệt động Sài Gòn 90c) ra xã MePu, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận sinh sống.
Ông bà đều là dân Quảng Nam. Ông sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng và sớm di cư vào Sài Gòn. Năm 1964, ông về quê cưới bà Ba và cả hai cùng vào lại Sài Gòn. Ông đi biền biệt bởi năm ấy đang tham gia Đội Biệt động 90c chuyên đánh địch ở trung tâm thành phố. Năm sau, bà Ba sinh con gái đầu lòng.
Bà một mình bươn chải gần khu vực ngã tư Bảy Hiền làm đủ thứ nghề để nuôi con và gửi tiền giúp cán bộ cách mạng. Một năm sau nữa, ông Ba được cho về thăm nhà và để lại cho bà đứa con gái thứ hai.
Cuối năm 1968, Đội 90c Biệt động Sài Gòn tấn công một cư xá trên đường Lý Chính Thắng - Trần Quốc Thảo, tiêu diệt 8 sĩ quan Mỹ. Sau khi rút an toàn về Phú Thọ Hòa thì bị chỉ điểm nên toàn đơn vị có 28 người đều bị bắt. Tòa án ngụy xử ông Ba tù chung thân, đày ra Côn Đảo, giam trong “chuồng cọp”.
Kể từ đó, bà Ba thường xuyên bị địch theo dõi gắt gao. Càng khó khăn, bà không thoái chí, ngược lại, càng nung nấu quyết tâm phục vụ cho cách mạng nhiều hơn. Bà làm giao liên, nhà bà là nơi chứa vũ khí cho quân giải phóng.
Chờ chồng ở chiến trường, đánh giặc còn đỡ hơn việc chờ chồng đi tù đày, vừa thương con không có cha bên cạnh vừa thương chồng chịu cảnh giam cầm, không biết sống chết ra sao trong tay giặc. Bà cũng bị bắt để điều tra nhưng chúng không khai thác được gì nên đành thả.
“Thấy tôi lủi thủi nuôi con và chờ chồng, nhiều lúc cha chồng khuyên tôi đi lấy người khác chứ anh Ba tù chung thân thì sao về được nữa, có khi bỏ mạng trong ngục. Nhưng tôi đâu có chịu. Tôi nói sẽ mãi chờ chồng và phục vụ Tổ quốc” - bà kể thêm.
Năm 1973, sau Hiệp định Paris, ông Ba Quang được ra tù và gia nhập Trung đoàn 210 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi ấy, bà Ba vẫn chưa có thông tin gì về ông; đến năm 1974, mới có tin tức của chồng nhưng vì cuộc chiến đang cao trào nên không gặp nhau được.
Cho đến ngày 30-4-1975, đơn vị của ông Ba Quang được lệnh từ Củ Chi hành quân về trung tâm Sài Gòn và một ngày sau đó, ông mới gặp lại vợ con, gia đình. Những ngày ấy, hôm nào bà Ba cũng ra cổng ngóng dù chẳng biết ông có về không, chỉ biết đợi và tin là giải phóng rồi thì chồng sẽ về thôi.
May mắn, ông lành lặn trở về. Vợ chồng ôm nhau khóc, không nói được một lời. Còn 2 cô con gái chưa bao giờ biết mặt cha, cứ gọi người vừa trở về là “chú bộ đội”…! Sau chiến tranh, ông bà có thêm 2 con gái và 1 con trai.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Ba hiện là những nông dân sản xuất giỏi với hơn 150 gốc tiêu ghép, 3 ha cao su, sống vui vẻ bên con cháu. Bà được tặng Huân chương Kháng chiến hạng 3 còn ông là bệnh binh 2/3.
Kỳ tới: Sắt son tình đồng đội
Bình luận (0)