Ngày 3-2, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 1. Chiều tối cùng ngày, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo để giải đáp các câu hỏi của báo chí về tình hình kinh tế - xã hội nói chung.
Làm rõ thêm vụ ông Vũ Huy Hoàng, vụ “cả sở làm quan”
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về các chế độ đối với ông Vũ Huy Hoàng sau quyết định kỷ luật xóa bỏ chức danh “nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2010- 2015”, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có quyết định kỷ luật đối với nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương (ông Vũ Huy Hoàng) nhiệm kỳ 2010-2015, yêu cầu các cơ quan chức năng quản lý nhà nước xử lý kỷ luật tương xứng. Theo đó, Ban Cán sự đảng Chính phủ thực hiện theo chỉ đạo của Ban Bí thư và nghị quyết của Quốc hội.
“Ngày 28 Tết, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký quyết định xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Vũ Huy Hoàng. Về các chế độ chính sách, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương nghiên cứu và đề xuất. Hiện 2 bộ này đang nghiên cứu cụ thể để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định” - ông Mai Tiến Dũng cho biết.
Cũng liên quan đến công tác cán bộ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã có câu trả lời đối với việc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 46 công chức, trong đó có tới 44 người làm lãnh đạo cấp phòng nhưng kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ lại cho rằng các việc làm này phù hợp quy định. Theo ông Dũng, về việc này, Chính phủ giao Bộ Nội vụ thanh tra. “Sau khi Bộ Nội vụ thanh tra, Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương có chỉ đạo thì đúng là có tình trạng này. Trong 44 cán bộ được bổ nhiệm lãnh đạo đã có 7 cán bộ xin rút. Trong quá trình bổ nhiệm có sai sót, có những cán bộ chưa đủ điều kiện vẫn bổ nhiệm. Thủ tướng chỉ đạo công khai kết luận thanh tra và rút kinh nghiệm chung” - ông Mai Tiến Dũng thông tin.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tại buổi họp báo ngày 3-2 - Ảnh: chinhphu.vn
Nói và làm thật
Xung quanh chuyện nhận và biếu quà Tết, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, nhắc lại báo cáo “các tỉnh về Hà Nội chúc Tết đã giảm 70%”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng con số này thể hiện sự thay đổi rất lớn về tư duy trong việc thực hiện chủ trương của Ban Bí thư và Thủ tướng.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho hay con số giảm 70% chỉ là ước lượng, có thể hơn. “Nhưng tôi khẳng định không có địa phương nào lên chúc Tết lãnh đạo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ” - ông Dũng nhấn mạnh và cho biết Thủ tướng đã ký chỉ thị lệnh các cơ quan không tiếp khách đến chúc Tết. Theo đó, Ban Tổ chức trung ương đưa khẩu hiệu “Không tiếp khách đến chúc Tết”. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng ký công văn yêu cầu không được chúc Tết, tặng quà cho lãnh đạo Văn phòng Chính phủ. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh thêm: “Chính phủ nói và làm thật. Không hình thức”. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết Tết Đinh Dậu vừa qua bản thân ông không nhận quà của cơ quan nào hay của bất cứ ai. Ông cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông không tiếp khách trong những ngày Tết.
Chấm dứt suy nghĩ “tháng giêng là tháng ăn chơi”
Nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội tháng đầu năm 2017 đạt nhiều kết quả tích cực, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tập trung một số nhiệm vụ thời gian tới như chấn chỉnh ngay các bất cập đã nêu tại Công điện mà Thủ tướng ban hành hôm 2-2 như một số biểu hiện không lành mạnh trong lễ hội. Các địa phương và ngành văn hóa phải khắc phục tình trạng này; đồng thời, nhấn mạnh bất cứ cán bộ, công chức nào đi lễ hội trong giờ hành chính, trừ cán bộ được phân công, hay dùng xe công đi lễ hội, thì phải xử lý nghiêm, Thủ tướng đề nghị báo chí kiểm tra, giám sát mạnh mẽ việc thực hiện chủ trương này.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phải bắt tay vào việc ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm, không để tình trạng quý I đủng đỉnh, không để tồn tại tinh thần “tháng giêng là tháng ăn chơi”.
Không phát hiện tặng quà Tết trái quy định
Ngày 3-2, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt cho biết qua tổng kết hoạt động của 2 đường dây nóng, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tiếp nhận 56 nguồn tin phản ánh của người dân trong dịp Tết. Trong đó, 33 nguồn tin liên quan công tác phòng chống tham nhũng, chủ yếu trong các lĩnh vực an toàn giao thông, trật tự đô thị, buôn bán hàng cấm...; 23 nguồn tin liên quan việc vi phạm Chỉ thị 11 của Ban Bí thư, Chỉ thị 33 của Thủ tướng Chính phủ về tặng quà, nhận quà trái quy định. TTCP sẽ bàn giao 19 nguồn tin cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị liên quan để thẩm định, xác minh, xử lý. Các đơn vị phải có trách nhiệm giải quyết, xử lý và báo cáo kết quả gửi TTCP. Ngày 6-2 là thời điểm cuối cùng để các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ, tập đoàn kinh tế nhà nước, các địa phương gửi báo cáo việc kiểm tra, giám sát tặng quà, nhận quà, vi phạm quy định về phòng chống tham nhũng trong dịp Tết. Đến nay đã có khoảng 30% các đơn vị, địa phương gửi báo cáo về TTCP nhưng chưa thấy có nơi nào phát hiện trường hợp tặng quà Tết trái quy định.
N.Quyết
Bình luận (0)