xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Diện kiến Bạch Mã Sơn (*): Dấu xưa, tích cũ còn vương

Bài và ảnh: Lương Duy Cường

Với những nhà nghỉ hiếm hoi và khu đón tiếp của các công ty du lịch thì thực sự vẫn chưa có gì đáng kể về sinh khí của một thiên đường du lịch trên đỉnh cao Bạch Mã hơn 80 năm trước

Từng bâng khuâng khi thưởng ngoạn cảnh trí trên đỉnh Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng), phiêu diêu trên đỉnh cao Fansipan (tỉnh Lào Cai) hay tịnh độ với non ngàn Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) nhưng tôi bỗng tiếc vì mãi đến bây giờ mới chạm vào vẻ đẹp bí ẩn của Bạch Mã, mới hiểu vì sao nhiều thi nhân xem Bạch Mã như của hồi môn thiên nhiên ban cho con người.

Đắm mình trong truyền tích

Nơi chúng tôi hạ trại là căn nhà bát giác 2 tầng xây kiên cố trên nền móng của Vọng Hải Đài thời Pháp thuộc. Đứng ở đây, phóng tầm nhìn về hạ du, chơi vơi giữa tầng tầng mây trắng, cảm giác rất rõ sự bé nhỏ của mình trước bao la.

Có người nói núi có tên Bạch Mã vì đứng từ dưới thị trấn Cầu Hai nhìn lên trông núi giống như một con ngựa bạch duỗi chân hướng ra biển mênh mông, đầy oai hùng. Nhưng tôi đang đắm mình trong truyền tích rằng tên gọi Bạch Mã là do có việc các tiên ông trên trời từng cưỡi ngựa trắng xuống đây để tỉ thí những ván cờ trong khi đàn ngựa mải mê tìm cỏ. Chiều tối, đợi ngựa không được, các tiên ông phải bay về trời. Đàn ngựa ngơ ngác, lang thang khắp núi, hóa thành những đám mây hệt ngựa trắng quanh năm chờ chủ.

Các môn sinh tập hát dân ca 3 miền dưới ánh sáng những chiếc đèn từ pin và lửa trại
Các môn sinh tập hát dân ca 3 miền dưới ánh sáng những chiếc đèn từ pin và lửa trại

Tranh thủ cùng các môn sinh tìm nhặt cành khô chuẩn bị bữa cơm chiều, tôi tha thẩn theo những lối mòn. Dù là rừng nguyên sinh nhưng khác với những gì tôi nghĩ, quanh điểm cao 1.450 m so với mặt nước biển của Vọng Hải Đài không phải là những gốc cổ thụ mà bạt ngàn lau lách và hoa dại, những gốc sim đầy quả chín mọng chen giữa hoa mua rưng rức tím.

Tầm thấp hơn vài chục mét là vương quốc của các loài dương xỉ và họ cau dừa như mây và cọ đuôi cá. Thấp nữa mới là thiên đường rừng rậm đặc trưng của các loài thực vật hạt trần thuộc họ kim giao, rồi các loài cây gỗ sồi và hạt dẻ mọc thành vạt ken dày, vươn thẳng trên nền lá mục ẩm  mốc. Đây mới là nơi lũ vắt tinh quái rình rập.

Tranh thủ chuẩn bị bữa ăn chiều trước khi mặt trời xuống núi
Tranh thủ chuẩn bị bữa ăn chiều trước khi mặt trời xuống núi

Thấp hơn Vọng Hải Đài chừng 100 m là di tích quốc gia địa đạo Bạch Mã và gần đó là dấu tích của một sân đậu trực thăng đang vụn vỡ trong lau lách. Những mảng bê-tông câm lặng, cam chịu tan dần cùng lớp địa y buồn thảm trong các lùm cây đuôi chồn. Bạch Mã là cứ điểm quan trọng về quân sự trong thời chống Mỹ.

Tháng 8-1973, Mỹ thiết lập sân bay trực thăng và đổ bộ lên đó một tiểu đoàn cùng nhiều vũ khí để chiếm giữ điểm cao này. Nhưng trước đó nữa, nhiều người kể sân bay này là nơi trực thăng phục vụ nhu cầu nghỉ mát của gia đình Ngô Đình Cẩn, Trần Lệ Xuân và sĩ quan Mỹ.

Ngày 6-9-1973, bộ đội ta chiếm được Vọng Hải Đài và đào công sự để bảo đảm phòng thủ lâu dài. Hai địa đạo đã được xây dựng, có cái dài hơn 200 m, dọc theo vách là những hầm trú ẩn có thể chứa 15-20 người.

Phong cảnh hùng vĩ của Bạch Mã nhìn từ Vọng Hải Đài
Phong cảnh hùng vĩ của Bạch Mã nhìn từ Vọng Hải Đài

Ven dưới Vọng Hải Đài chừng 1 km, lối mòn dựng đứng vừa đủ một người đi đưa chúng tôi lọt giữa những phế tích. Trong vòng 15 năm sau khi người Pháp phát hiện tiềm năng của Bạch Mã (năm 1932), 139 biệt thự và khách sạn, bể bơi, đường giao thông... mọc lên làm cho Bạch Mã hoang sơ nhanh chóng trở thành trung tâm nghỉ dưỡng của quan chức Pháp và giới thượng lưu. Nhưng từ năm 1954, khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, Bạch Mã rơi vào quên lãng.

Những biến cố lịch sử sau đó, đặc biệt là thảm họa bom napalm do Mỹ dội xuống đã làm xác xơ tất cả. Bạch Mã từng có lúc như nhà vô chủ, biệt thự và khách sạn rơi vào tay những người đi rừng. Cống, cầu cũng bị đập nát để sắt thép thành ve chai.

Sau nhiều năm với nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng địa phương và ngành du lịch, những gì gọi là du lịch Bạch Mã đang dần hiện hữu bắt đầu từ với việc trùng tu những gì có thể. Nhưng trước mắt tôi vẫn là những nhà nghỉ cô lẻ, buồn thảm, gợi nhớ mơ hồ về một thiên đường du lịch từng có hơn 80 năm trước.

Sống động về đêm

Đang là mùa những cây phong đua nhau khoe sắc. Thứ cây có màu lá luôn gợi nhớ về những đường phố chìm trong giá lạnh của nước Nga xa xôi đang đỏ rực những góc rừng chìm dần trong màn mưa xanh màu cổ tích, như nhân đôi nỗi ưu du níu kéo bước chân cô lữ. Bất chợt, làn sương đặc quánh sà xuống, phủ vây những mái nhà xưa cũ rồi tản mác thành cụm trên những nụ hồng đang độ hàm tiếu khiến ta dễ nhầm với môi hồng thiếu nữ. Rất nhiều loài côn trùng kỳ lạ rồi hàng đàn bướm sặc sỡ, chấp chới trên những khóm hoa hay vách đá rêu xanh gợi về những phồn hoa trầm tích trong hoài niệm.

Nhưng đặc biệt nhất trên Vọng Hải Đài chính là khoảnh khắc về đêm. Ngay khi những tia nắng vẫn bịn rịn trên chóp các đỉnh núi, hoàng hôn ập xuống nhanh một cách kỳ lạ. Thoắt cái, núi rừng chìm sâu trong bí ẩn và uy nghiêm. Sương gió nổi lên, khí trời lạnh buốt như đang đông. Đấy là lúc Bạch Mã khác hẳn sự hoành tráng phơi bày giữa ban ngày. Núi rừng sinh động hẳn lên trong không gian là những mảng sáng lân tinh kỳ lạ trên cây hay di chuyển từ từ trên mặt đất.

Tiếng thác nước từ xa xăm vọng về rì rầm và bản hòa âm hoang dã cất lên với muôn vàn âm thanh tha thiết của lũ giun dế và ve núi. Điểm xuyết trên nền sinh động ấy là vài tiếng chim vỗ cánh, tiếng vụt chạy của thú rừng, tiếng vượn hú dài lanh lảnh cơ hồ như âm thanh nhấn nhá từ ngón đàn điêu luyện của người nghệ sĩ tài ba. Chúng tôi ngẩn ngơ trước bữa tiệc quá thịnh soạn của tạo hóa, tợ phút chốc hóa thân chạm vào cái đẹp vô nhiễm của đất trời.

Kỳ tới: Chinh phục tuyệt tác Đỗ Quyên

Đêm lửa trại, tất cả môn sinh trong màu trắng võ phục xếp bằng trên nền gạch Vọng Hải Đài để nghe thầy giảng. Hồ hởi nhất là khi được dạy hát dân ca ba miền. Cứ sau mỗi bài, các môn sinh lại đồng thanh điệp khúc “vui là vui quá, vui là vui ghê”. Tiếng hát lan trong đêm thẳm rồi vọng lại chơi vơi, điệu đà những nỗi niềm lưu luyến.  

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo